BGTV- Hiện nay giao dịch trên nền tảng số diễn ra khá phổ biến, không ít trường hợp người chuyển tiền nhầm vào tài khoản bên nhận. Vậy người chuyển tiền nhầm có được yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của người nhận hay không? Khi xảy ra tình huống này người dân cần làm gì để bảo vệ tài sản của mình.
Luật sư Bùi Thúy Hằng, Giám đốc Công ty luật TNHH Kim Phát - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội hướng dẫn phương pháp giải quyết như sau:
Luật sư Bùi Thúy Hằng |
Khi bạn chuyển tiền nhầm cho người khác, bạn hãy liên hệ ngay với ngân hàng nơi bạn chuyển nhầm tiền để được ngân hàng hỗ trợ. Thông thường các ngân hàng sẽ liên hệ với bên nhận tiền để xác định chính xác vụ việc. Nếu bên nhận tiền có thiện chí thì sẽ chuyển trả lại bạn số tiền bạn chuyển nhầm. Trường hợp bên nhận tiền cố tình không chuyển trả lại bạn số tiền chuyển nhầm thì bạn trình báo với Cơ quan công an để được giải quyết theo quy định của pháp luật.
* Căn cứ khoản 1 Điều 11 Nghị định 52/2024 NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/07/2024 quy định như sau:
“Điều 11. Phong tỏa tài khoản thanh toán
1. Tài khoản thanh toán bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên tài khoản thanh toán trong các trường hợp sau:
a) Theo thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản;
b) Khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
c) Khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót khi ghi Có nhầm vào tài khoản thanh toán của khách hàng hoặc thực hiện theo yêu cầu hoàn trả lại tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi Có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền bị nhầm lẫn, sai sót;
d) Khi có yêu cầu phong tỏa của một trong các chủ tài khoản thanh toán chung trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung.”
Như vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định 52/2024 NĐ-CP bạn không có quyền yêu cầu ngân hàng phong tài khoản mà ngân hàng chỉ phong tỏa tài khoản khi có quyết định hoặc yêu cầu bằng văn bản của Cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp này Cơ quan công an sẽ xem xét và có văn bản yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản của bên nhận tiền thì ngân hàng mới có cơ sở phong tỏa tài khoản để giải quyết theo quy định của pháp luật.
* Đối với chủ tài khoản (bên nhận tiền) khi biết bên chuyển tiền bị chuyển nhầm vào tài khoản của mình mà cố tình không hợp tác với ngân hàng để chuyển trả lại cho bên bị chuyển nhầm tiền thì đây là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác, tùy thuộc vào số tiền mà bên nhận tiền có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
- Nếu số tiền chiếm giữ trái phép dưới 10.000.000 đồng thì bên nhận tiền sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, căn cứ điểm e khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.”
- Nếu số tiền chiếm giữ từ 10.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt tù từ 3 tháng tù đến 3 năm tù; Đối với số tiền lớn từ 200.000.000 đồng trở lên thì sẽ bị xử phạt đến 5 năm tù. Căn cứ Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 và được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Theo kinh nghiệm của một số người chuyển nhầm tiền và đã nhận lại được tiền, thì khi bạn chuyển nhầm tiền vào tài khoản của người khác bạn hãy thực hiện thêm một giao dịch tối thiếu (số tiền nhỏ nhất để có thể chuyển khoản được) bạn ghi lời nhắn kèm số điện thoại của bạn, nếu người nhận tiền thiện chí sẽ liên hệ với bạn và chuyển trả lại bạn số tiền bạn đã chuyển nhầm.
Duy Phách