Theo chuyên gia, bộ luật Tố tụng dân sự còn nhiều bất cập, dẫn đến án dân sự bị hủy, sửa lên đến hơn 8.000 vụ án trong năm 2023, ảnh hưởng đến quyền lợi các đương sự.
Án dân sự bị hủy, sửa do khâu đánh giá chứng cứ?
Ngày 12.6, Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung bộ luật Tố tụng dân sự 2015 từ yêu cầu của thực tiễn xét xử.
Trong năm 2023, toàn ngành tòa án, tỷ lệ án bị hủy, sửa (do lỗi chủ quan của thẩm phán) chiếm 0,89% (4.810 vụ án trong số hơn 540.400 vụ án đã giải quyết). Riêng về án dân sự, tỷ lệ án bị hủy là 0,59% (hơn 2.400 vụ án trong số hơn 408.000 vụ án đã giải quyết); án bị sửa là 1,41% (hơn 5.700 vụ án trong số 408.070 vụ án đã giải quyết).
Theo các chuyên gia, luật còn nhiều bất cập NGÂN NGA
Như vậy, có đến hàng nghìn vụ án dân sự bị hủy, sửa (hơn 2.400 vụ án bị hủy; hơn 5.700 vụ án bị sửa). Theo ông Phan Thanh Tùng, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM, trong rất nhiều lý do thông thường được đưa ra để lý giải (sai sót về thủ tục tố tụng), thì lý do quan trọng khác được đưa ra là những vụ, việc dân sự bị hủy, sửa có nguyên nhân từ việc thu thập, đánh giá chứng cứ để giải quyết vụ án. Tình trạng này đưa đến hậu quả là cùng những chứng cứ như nhau, nhưng cách nhìn nhận, đánh giá, sự suy đoán pháp lý giữa các cấp tòa án vẫn có sự khác nhau.
Pháp luật về tố tụng hiện hành và những văn bản hướng dẫn thi hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không giải thích khái niệm "đánh giá chứng cứ" là gì, để từ đó, những người tiến hành tố tụng có thể biết và thực hiện. Do đó, việc đánh giá chứng cứ của vụ án hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, trình độ, đạo đức của thẩm phán được phân công giải quyết vụ án.
Ông Phan Thanh Tùng, Phó chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM NGÂN NGA
"Hiện, chúng ta chưa có một bộ luật riêng để quy định về chứng cứ. Các quy định về chứng cứ chỉ là một chương nhỏ trong bộ luật Tố tụng dân sự và những bộ luật liên quan khác, chưa thể hiện hết tính đa dạng và thứ bậc pháp lý của chứng cứ vụ án dân sự", ông Tùng nêu.
Còn theo ông Quách Hữu Thái, Phó chánh án TAND TP.HCM, hiện chưa có quy định về chứng cứ điện tử nên tòa án cũng gặp không ít khó khăn. "Theo quy định phải lưu trữ trong hồ sơ bằng bản giấy chứ không phải điện tử. Như vậy luật hiện hành không theo kịp thực tiễn", ông Thái nói.
Tòa chưa xử làm sao biết đơn khởi kiện không có căn cứ?
Ths Phan Nguyễn Bảo Ngọc, Đại học Luật TP.HCM, chia sẻ việc trả lại đơn khởi kiện là một phần quan trọng, không thể tách rời trong quy trình tố tụng dân sự. Tuy nhiên, để đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng, minh bạch cao nhất, cần phải tiến hành cải cách và hoàn thiện các quy định pháp luật và quy trình liên quan đến việc này.
Ths Ngọc đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 điều 192 bộ luật Tố tụng dân sự (trả lại đơn khởi kiện), hoặc liên ngành trung ương cần sửa đổi, bổ sung về việc: khi tòa án ra thông báo trả lại đơn khởi kiện phải gửi kèm theo đơn khởi kiện cùng các tài liệu chứng cứ kèm theo cho viện kiểm sát.
Cũng theo Ths Ngọc cần bổ sung tại khoản 2 điều 192 bộ luật Tố tụng dân sự về thời hạn gửi văn bản thông báo trả lại đơn khởi kiện của tòa án cho viện kiểm sát trong một thời hạn cụ thể.
Ông Tống Anh Hào, nguyên Phó chánh án TAND tối cao NGÂN NGA
Ngoài ra, cần nâng cao tính minh bạch trong việc trả lại đơn khởi kiện, tòa án cần có trách nhiệm giải thích rõ lý do trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, giúp đương sự hiểu rõ sai sót của mình để có thể khắc phục và nộp lại đơn khởi kiện đúng quy định. Đồng thời, cần công khai các quyết định trả lại đơn khởi kiện để tạo sự công bằng, minh bạch trong hoạt động tố tụng.
"Theo tôi, phải phát huy vai trò của kiểm sát viên trong kiểm sát hoạt động xét xử của tòa án trong tố tụng dân sự. Pháp luật cần quy định cụ thể kiểm sát viên phải kiểm sát hoạt động xét xử từ khi có đơn khởi kiện, để đảm bảo giám sát việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật ngay từ đầu", Ths Ngọc chia sẻ.
Bàn về vấn đề tòa án trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, ông Tống Anh Hào, nguyên Phó chánh án TAND tối cao, cho biết "quyền khởi kiện" với "khởi kiện không có căn cứ" là hai vấn đề khác nhau. "Tòa chưa xử làm sao biết không có căn cứ? Trong quá trình xét xử, đương sự cung cấp chứng cứ được không? Đây là quyền dân sự rất quan trọng", ông Hào nói.
Ông Hào nói thêm, "công lý chậm là không công lý", một vụ án mà tòa án xét xử kéo dài 4 - 5 năm mới xử xong, là làm ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/vi-sao-co-toi-hon-8000-an-dan-su-bi-huy-sua-18524061218221969.htm