BGTV - Năm 2016, tôi có cho một người bạn vay 10 lượng vàng để làm nhà, hai bên thỏa thuận là lãi suất 5%/ năm. Thời điểm đó, người bạn tôi cho biết bán được 37 triệu đồng/lượng. Đến thời gian gần đây, tôi có việc cần dùng nên yêu cầu bạn tôi trả lại, nhưng bạn tôi nói chỉ đồng ý trả cho tôi bằng tiền lúc bán vàng là 37 triệu 1 lượng kèm theo lãi suất ngân hàng. Việc này có đúng hay không?
Về vấn đề này Luật sư Đinh Trọng Khôi - Công ty Luật TNHH Prolaf ( Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang) trả lời như sau:
Luật sư Đinh Trọng Khôi |
Gần đây, trên mạng xã hội cũng đang tranh luận rất sôi nổi về tình huống tương tự, đặc biệt trong bối cảnh giá vàng liên tục lập đỉnh, và đến nay đã đạt mức trên 82 triệu đồng 1 lượng.
Trong tình huống này, ở góc độ người vay, giá vàng lên quá là cao, nhiều người vay xong mà không trả nổi. Nhưng ở góc độ người cho vay, khi mua vàng với mục đích là kênh để giữ tiền trước tình hình lạm phát và trượt giá.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ pháp luật, thì Bộ luật dân sự năm 2015, điều 463 có quy định rất rõ: “Bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”
Hay có thể hiểu, nếu bạn cho vay bằng vàng, thì khi trả nợ, bên vay cũng phải trả cho bạn bằng vàng theo đúng quy định.
Do đó, vấn đề này nếu soi chiếu ở góc độ pháp luật thì không còn vấn đề gì để phải tranh cãi nữa
Về vấn đề lãi suất, việc thỏa thuận lãi suất khi vay vàng như tình huống của bạn nêu trên thì có pháp luật quy định như thế nào và có thể đòi được khoản lãi này không?
Vấn đề này hiện nay còn đang có rất nhiều ý kiến trái chiều với nhau về việc có thể tính lãi khi cho vay vàng hay không.
Quan điểm thứ 1 là không thể tính lãi khi vay vàng.
Vì hiện nay trong Bộ luật dân sự 2015, hướng dẫn về lãi suất tại Điều 468 chỉ đề cập đến lãi suất đối với khoản tiền vay, tức là việc vay các tài sản khác không phải là tiền thì chưa có hướng dẫn.
Cũng theo Thông tư liên tịch số 01 năm 1997 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Tòa án tối cao và VKS nhân dân tối cao, thì “trong trường hợp đối tượng hợp đồng vay tài sản là vàng, thì lãi suất chỉ được chấp nhận khi Ngân hàng Nhà nước có quy định”. Nhưng từ năm 2000 trở lại đây, thì Ngân hàng Nhà nước không có quy định về lãi suất cho vay với vàng, mặc dù trước đó thì có quy định lãi suất cho vay đối với vàng không quá 7%/năm.
Tuy nhiên quan điểm này luật sư cho rằng không có cơ sở, vì hướng dẫn này có từ năm 1997 và cũng chỉ là văn bản dưới luật, nên về cơ bản không thể trái với các quy định trong Bộ luật dân sự 2015 được.
Quan điểm thứ 2, luật sư ủng hộ quan điểm này hơn, đó là có thể tính lãi đối với việc cho vay vàng.
Bởi lẽ Điều 463 Bộ luật dân sự năm 2015 tôi có trích dẫn kể trên, có quy định rất rõ “bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Trong trường hợp này, các bên có thỏa thuận về lãi suất cho vay là 5%/năm, thỏa thuận này là tự nguyện và không vi phạm điều cấm của pháp luật, do đó, thỏa thuận tính lãi suất này là hợp pháp và bạn có thể đòi lãi theo quy định.
Giả sử yêu cầu tính lãi này được chấp thuận thì tính lãi dựa trên số tiền 37 triệu đồng/lượng ban đầu hay theo giá vàng hiện nay là khoảng hơn 80 triệu đồng/1 lượng?
Chính vì chưa có quy định cụ thể về việc tính lãi suất cho vàng, nên có rất nhiều tranh cãi về việc tính theo giá trị gốc ban đầu của khoản vay vàng, hay tính theo giá vàng hiện tại.
Tuy nhiên, theo quan điểm của luật sư, khi vay là vàng, nên lãi suất cũng được tính theo vàng. Trong trường hợp này từ năm 2016 đến 2024, luật sư xin phép được tính tròn là 9 năm, lãi suất mỗi năm là 5%, tương ứng với 45%. Với số lượng vàng khi vay là 10 lượng thì số lãi tương ứng với 4,5 lượng vàng.
Còn khi trả lãi bằng vàng, bạn quy đổi ra tiền mặt tại thời điểm nào thì sẽ tính theo thời giá tại thời điểm đó.
Duy Phách