BGTV - Chị Dương Thị Lan ở xã Cao Xá, huyện Tân Yên hỏi: Gia đình tôi có ý định mua 1 lô đất diện tích 90m2 được tách ra trong một thửa đất với hình thức chuyển nhượng viết tay. Qua tìm hiểu, được biết lô đất không có tranh chấp, không nằm trong quy hoạch là đất ở nông thôn. Vậy tôi mua lô đất trong trường này có đảm bảo tính pháp lý hay không?
Với nội dung này, Luật sư Lê Văn Tiến – Văn phòng Luật sư Bách Gia Tín ( Đoàn Luật sư Bắc Giang) tư vấn phương án giải quyết trả như sau:
Luật sư Lê Văn Tiến |
Trước tiên bạn phải làm rõ: Thửa đất bạn mua thì khi mua có giấy chứng nhận chưa? Nếu chưa có thì bạn nhận chuyển nhượng là vi phạm điều cấm của pháp luật – Điều 188 luật đất đai 2013.
Vì vậy, nếu bạn muốn đảm bảo quyền lợi thì luật sư định hướng bạn thực hiện theo phương án sau: Không nên làm văn bản chuyển nhượng mà chỉ nên làm văn bản đặt cọc. Đồng thời, bạn trao đổi để chủ đất đi làm hoặc uỷ quyền cho bạn đi làm giấy chứng nhận cho diện tích đất bạn mua.
- Sau khi bạn làm thủ tục cấp giấy chứng nhận rồi thì hai bên ra văn phòng công chứng hoặc UBND xã để làm thủ tục chuyển nhượng đất theo quy định.
- Nếu các bạn đã chót thực hiện trên thực tế rồi thì cân nhắc đến các phương án tiếp như sau:
Trường hợp, đất mà có GCNQSDĐ (sổ đỏ), bạn đã mua bán viết tay rồi thì bạn cần thuyết phục chủ đất và bạn đi làm thủ tục hợp thức hoá việc chuyển nhượng đất giữa hai bên theo quy định bằng việc ký lại hợp đồng có công chứng, hoặc chứng thực theo quy định. Sau đó, đi làm thủ tục sang tên.
Nếu chủ nhà không phối hợp bạn ký lại hợp đồng cho bạn, bạn có quyền khởi kiện ra toà án để đề nghị công nhận hợp đồng. Trường hợp này, khi mua bán viết tay bạn, bên kia đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩ vụ cho nhau thì toà án có thể căn cứ điều 129 BLDS để công nhận giao dịch cho bạn. Như vậy, giao dịch dù thực hiện bằng giấy viết tay nhưng đối tượng giao dịch là thửa đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bạn đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ là cũng có giá trị như hợp đồng lập theo quy định (có công chứng, chứng thực). Nhưng việc bạn phải khởi kiện sẽ rất tốn sức.
Trường hợp, bạn mua bán đất mà không có GCNQSDĐ (sổ đỏ) thì bạn cần thoả thuận để tìm cách hợp thức hoá theo các nội dung trên. Khi không thoả thuận được, bạn chỉ có thể khởi kiện để yêu cầu toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu và đề nghị giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu./.
Duy Phách