BGTV- Vừa qua, một số doanh nghiệp, tổ chức có hỏi muốn tham gia vào thị trường tín chỉ Các-bon hiện pháp luật quy định như thế nào? Điều kiện để được cấp tín chỉ Các-bon là gì? Bởi thị trường tín chỉ Các-bon Việt Nam là một thị trường mới và đầy tiềm năng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới.
Để hiểu rõ về vấn đề này Luật sư, Nguyễn Thị Phong Lan - Giám đốc Công ty Luật TNHH Intelico- Hà Nội (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) có bài viết liên quan đến này với nội dung sau:
Luật sư Nguyễn Thị Phong Lan |
TÍN CHỈ CÁC-BON
Ô nhiễm môi trường đã và đang là vấn đề cấp bách toàn cầu gây ra những hậu quả nặng nề cho nhân loại. Trước tình hình này, đã có hơn 190 quốc gia cam kết sẽ giảm phát thải dòng về mức nét Zero trong hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021. Cùng với sự nỗ lực của mỗi quốc gia, thị trường các-bon đã được hình thành.
Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ các-bon. Năm 2023, lần đầu tiên Việt Nam bán thành công 10,3 triệu tấn tín chỉ các-bon thông quan ngân hàng thế giới (WB) với giá 5 USD/1 tấn, tức thu về 5,51 triệu USD tương đương với 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, Việt Nam phát thải khoảng 344 triệu tấn CO2/năm. Con số này không hề nhỏ, vì nó xếp thứ 17 trên toàn cầu và đang tăng nhanh so với các quốc gia khác trong khu vực.
Dưới đây là những nội dung chính liên quan đến tín chỉ các-bon tại Việt Nam:
1.Thông tin chung về tín chỉ các-bon
1.1. Quy định pháp luật
Căn cứ khoản 35 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: “Tín chỉ các-bon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí các-bon dioxide (CO2) hoặc một tấn khí các-bon dioxide (CO2) tương đương.”
Điều 139 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 quy định về Tổ chức và phát triển thị trường Các-bon với lộ trình vận hành từ năm 2028. Thị trường Các-bon bao gồm hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ Các-bon thu được từ cơ chế bù trừ tín chỉ Các-bon trong và ngoài nước.
Để cụ thể hóa những quy định này, ngày 07/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô dôn, trong đó Điều 17 quy định về Lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường các-bon trong nước như sau:
- Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch Thương mại tín chỉ các-bon.
- Đến ngày 01/01/2028, Việt Nam sẽ vận hành cơ chế bù trừ các-bon.
Hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường và pháp luật điều chỉnh các lĩnh vực liên quan đến tín chỉ Các-bon chưa xây dựng khung pháp lý cụ thể về vấn đề này. Song, cùng với sự phát triển của tín chỉ Các-bon trên thế giới, Việt Nam đã và đang xây dựng khung pháp lý để tiến tới hiện thực hóa những cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc năm 2021 COPS 26 và cùng chung tay bảo vệ môi trường sống.
1.2. Thị trường tín chỉ Các-bon
Thị trường tín chỉ Các-bon Việt Nam là một thị trường mới và đầy tiềm năng phát triển. Hiện nay, thị trường các-bon bao gồm hai loại như sau:
- Thị trường bắt buộc: Nhà nước sẽ quản lý thị trường các-bon và các doanh nghiệp sẽ phải bù trừ Các-bon thông qua thị trường này để thực hiện việc giao dịch Các-bon.
- Thị trường tự nguyện: Các cá nhân, tổ chức muốn đóng góp bảo vệ môi trường sẽ giao dịch thông qua thị trường này.
1.3. Các loại hình tín chỉ Các-bon
Có nhiều loại hình tín chỉ Các-bon như năng lượng, rừng… Tuy nhiên tín chỉ Các-bon rừng được toàn thế giới và Việt Nam quan tâm, đẩy mạnh do:
Thứ nhất, tiềm năng phát triển lớn. Nước ta có ¾ đồi núi, có khoảng 14.7 triệu ha với độ che phủ khoảng 42%.
Thứ hai, tín chỉ Các-bon rừng đem lại giá trị tạo ra lớn. Với đặc trưng sinh học của rừng là phát thải khí CO2 rất ít nên rừng đem lại quyền phát thải khí Các-bon để giao dịch thương mại lớn.
Thứ ba, đối tượng được hưởng lợi ích đa dạng, bao gồm cả nhà nước, người trồng rừng, doanh nghiệp phát triển rừng và rộng hơn là toàn thể xã hội.
2. Điều kiện, thủ tục để được cấp tín chỉ Các-bon
Tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, đối với tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, điều kiện và các thủ tục liên quan đến tín chỉ các-bon bao gồm:
(i) Thủ tục xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước:
Căn cứ Điều 18 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn, bao gồm:
+ Lượng tín chỉ các-bon thu được từ chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Hạn ngạch phát thải khí nhà kính được phân bổ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
- Trình tự, thủ tục xác nhận bao gồm:
+ Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch quy định tại khoản 1 Điều này nộp đơn theo Mẫu số 01 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về Bộ Tài nguyên và Môi trường qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến để được xác nhận;
+ Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác minh, cấp giấy xác nhận và gửi thông báo cho tổ chức, cá nhân; trong trường hợp không cấp giấy xác nhận thì phải nêu rõ lý do.
Giấy xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch theo Mẫu số 02 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
(ii) Thủ tục Đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon:
Căn cứ Điều 20 Nghị định số 06/2022/NĐ-CP:
- Đối tượng xây dựng, thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon bao gồm:
+ Tổ chức Việt Nam có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án.
+ Tổ chức nước ngoài có nhu cầu xây dựng, thực hiện chương trình, dự án trên lãnh thổ Việt Nam.
- Hồ sơ đề nghị chấp thuận chương trình, dự án bao gồm:
+ Đơn đề nghị chấp thuận chương trình, dự án theo Mẫu số 03 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP;
+ Tài liệu chương trình, dự án được xây dựng theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
+ Báo cáo kỹ thuật hoặc báo cáo thẩm định chương trình, dự án của cơ quan thẩm định độc lập theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường phù hợp với quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
+ Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực các loại giấy phép và văn bản có liên quan đến hoạt động chuyên môn của chương trình, dự án theo quy định hiện hành.
- Hình thức nộp hồ sơ: nộp trực tiếp, trực tuyến hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính.
- Thẩm quyền giải quyết: Bộ Tài nguyên và Môi trường.
- Thời hạn giải quyết:
+Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông báo cho tổ chức về một trong các trường hợp: chấp nhận hồ sơ hợp lệ; yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ hoặc từ chối nếu hồ sơ không hợp lệ. Thời hạn bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề nghị là không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày có thông báo bằng văn bản về việc yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
+Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đánh giá hồ sơ đề nghị chấp thuận chương trình, dự án thông qua việc lấy ý kiến cơ quan có liên quan. Cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến kèm theo hồ sơ.
+ Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả đánh giá, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, quyết định chấp thuận chương trình, dự án và thông báo cho tổ chức đề nghị; trong trường hợp không được chấp thuận thì phải nêu rõ lý do.
- Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, dự án thì doanh nghiệp/tổ chức phải định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31 tháng 12 theo Mẫu số 05 Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP.
3. Một số lưu ý phát sinh thực tế khi thực hiện tín chỉ các-bon
3.1. Lưu ý về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực
Trên thực tế, để thực hiện tín chỉ các-bon, các doanh nghiệp/tổ chức phải:
- Cải tổ lại hệ thống cơ sở dữ liệu, đồng bộ toàn bộ hệ thống bản đồ của các doanh nghiệp.
- Bổ sung nhân lực mảng các-bon rừng, cần yêu cầu chắc về tiếng Anh giao dịch (vì hồ sơ nộp bằng tiếng Anh) và kiến thức về viễn thám.
- Trường hợp doanh nghiệp muốn làm tín chỉ các-bon cho nội tại thì đề xuất nên làm theo chuẩn VCS của VERRA.
- Về đơn vị thẩm định thì tổ chức VCS này đã có danh mục tư vấn thẩm định độc lập để doanh nghiệp lựa chọn khi nộp hồ sơ đề án.
- Với nhu cầu thực hiện tư vấn, xây dựng hồ sơ, tham gia giải trình khi đánh giá tín chỉ thì Viện điều tra quy hoạch rừng có thể làm được.
- Điểm phức tạp nhất để thực hiện tín chỉ các-bon là doanh nghiệp cần một hệ thống đo lường, thẩm định nhất quán kết hợp cả việc đo đếm.
3.2. Lưu ý về quy trình thực hiện liên quan đến doanh nghiệp/tổ chức hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp
Khi thực hiện liên quan đến tín chỉ các-bon, các doanh nghiệp/tổ chức cần phải:
- Xác định loại tín chỉ cần thực hiện.
- Xác định tiêu chuẩn muốn tham gia tín chỉ các-bon.
- Xác định tiềm năng của khu vực dự án.
- Ký biên bản ghi nhớ (MOU) với các bên để xác nhận các ưu tiên sau này.
- Xây dựng chủ trương đầu tư ở tỉnh nào thì tỉnh đó trình Cục Lâm nghiệp.
- Cục Lâm nghiệp sẽ yêu cầu đưa ra khối lượng tín chỉ đóng góp cho quốc gia là bao nhiêu, lượng kinh doanh bao nhiêu. Cục Lâm nghiệp làm đầu mối về tín chỉ các-bon rừng trình ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế).
- Xây dựng hồ sơ đăng ký, hồ sơ báo cáo (Dự án theo mẫu chuẩn tham gia).
- Thẩm định hồ sơ (bên thứ 3 độc lập).
Có thể thấy, hiện nay khung pháp lý dành cho hoạt động tín chỉ các-bon tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, có những trường hợp chưa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh. Tuy nhiên, với sự phát triển của thị trường các-bon và nhu cầu của các doanh nghiệp/tổ chức là những cơ sở để Việt Nam tiến tới xây dựng khung pháp lý chi tiết, hoàn chỉnh để điều chỉnh về tín chỉ các-bon và thực hiện các cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng thương mại tín chỉ các-bon.
Duy Phách