Ngoài gần 2 tỉ đồng “cảm ơn” từ Công ty VNDAT, giám đốc CDC Khánh Hòa và các nhân viên còn nhận hơn 2,2 tỉ đồng từ nhân viên các công ty khác, trong đó có tiền “nhạy cảm” gởi vào tài khoản của vợ giám đốc vừa nêu.
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm (đứng từ phải qua): Huỳnh Văn Dõng - cựu giám đốc CDC Khánh Hòa, Trần Quốc Huy và Quách Văn Cường - Ảnh: LÊ XUÂN
Hội đồng xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa đang trong giai đoạn nghị án vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa (CDC Khánh Hòa). Dự kiến tòa sẽ tuyên án vào chiều 15-4.
VNDAT "cảm ơn" gần 2 tỉ đồng
Theo cáo trạng, trong quá trình mua sắm các loại kit, hóa chất xét nghiệm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại Khánh Hòa trong các năm 2020 - 2021, CDC Khánh Hòa đã thực hiện 158 gói thầu mua sắm theo các hợp đồng trúng thầu hoặc chỉ định thầu với nhiều công ty, cơ sở kinh doanh.
Trong đó có 46/63 gói thầu do 2 doanh nghiệp và 1 hộ kinh doanh liên can do các bị cáo câu kết, thông đồng để trúng thầu (tổng giá trị hơn 35,96 tỉ đồng), gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 15,97 tỉ đồng.
Trong 2 doanh nghiệp vừa nêu trên có Công ty TNHH Phát triển công nghệ ứng dụng Việt Nam (VNDAT) trúng 5 gói thầu cung cấp hàng hóa cho CDC Khánh Hòa, tổng trị giá 14,215 tỉ đồng.
Đó là 5 gói thầu do các bị cáo khi còn đương chức, gồm Huỳnh Văn Dõng (giám đốc CDC Khánh Hòa), Trần Quốc Huy (trưởng phòng tổ chức - hành chính CDC Khánh Hòa), Nguyễn Trường Giang (tổng giám đốc VNDAT) và Nguyễn Thị Thúy (giám đốc phòng dự án VNDAT) câu kết, thông đồng vi phạm, tạo điều kiện cho VNDAT trúng thầu, thu lợi bất hợp pháp với mức lợi nhuận lên đến 350% giá vốn, gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 9,85 tỉ đồng.
Khi thực hiện 5 gói thầu trên, theo chủ trương của Huỳnh Văn Dõng, Trần Quốc Huy đã đề nghị nhà thầu là VNDAT chi "tiền cảm ơn" ngoài hợp đồng, sau khi thanh quyết toán các hợp đồng mua bán.
Theo yêu cầu đó, Nguyễn Thị Thúy đã đề nghị và Nguyễn Trường Giang đồng ý phê duyệt mức chi 15% giá trị gói thầu (trước thuế giá trị gia tăng) mà VNDAT đã được "trúng thầu" tại CDC Khánh Hòa.
Sau đó, Thúy đã chỉ đạo nhân viên chi tiền, chuyển tiền nhiều lần cho Dõng, Huy tổng cộng hơn 1,97 tỉ đồng.
Hơn 2,2 tỉ tiền "nhạy cảm"
Doanh nghiệp thứ hai liên can trong vụ án là Công ty CP Dược phẩm Tường Khuê (tại phường Thạch Thang, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Công ty này đã được CDC Khánh Hòa phê duyệt trúng 21 gói thầu cung cấp hàng hóa, vật tư y tế để chống dịch COVID-19, tổng giá trị hơn 19,51 tỉ đồng.
Theo kết luận điều tra và cáo trạng, có nhiều gói thầu của Công ty Tường Khuê vi phạm các quy định về đấu thầu. Trong đó, có 4 gói thầu (tổng trị giá hơn 4,44 tỉ đồng) đã được bị cáo Phan Phương Ngọc (nhân viên phòng dược - vật tư y tế CDC Khánh Hòa) can thiệp, tạo điều kiện về thủ tục hồ sơ trái pháp luật để Huỳnh Văn Dõng phê duyệt cho Công ty CP Dược phẩm Tường Khuê trúng thầu, hưởng lợi bất hợp pháp, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 1,94 tỉ đồng.
Sau khi trúng các gói thầu đó, theo kết luận điều tra, một nữ nhân viên của Công ty CP Dược phẩm Tường Khuê là Tr.T.P. đã sử dụng tài khoản cá nhân chuyển tiền nhiều lần cho Huỳnh Văn Dõng (tổng cộng hơn 270 triệu đồng), nhưng chuyển vào tài khoản cá nhân của vợ Dõng và theo bị cáo này đó là tiền "nhạy cảm" nên đã nhờ trả lại.
Tương tự, Tr.T.P. cũng chuyển tiền nhiều lần cho Phan Phương Ngọc (tổng cộng hơn 465 triệu đồng) và cho nữ nhân viên khoa dược - vật tư y tế CDC Khánh Hòa là Ng.T.T.P. hơn 110 triệu đồng để bồi dưỡng cho khoa.
Tổng số tiền nhân viên Công ty Tường Khuê chuyển cho 3 "nhân vật" vừa nêu của CDC Khánh Hòa là hơn 846 triệu đồng.
CDC Khánh Hòa còn phê duyệt trúng thầu cho Công ty TNHH Khoa học Hợp Nhất trúng tổng cộng 23 gói thầu (tổng giá trị hợp đồng hơn 43,41 tỉ đồng) cũng vi phạm các quy trình, thủ tục đấu thầu nhưng không gây thiệt hại tài sản nhà nước.
Thế nhưng, nhân viên kinh doanh phụ trách địa bàn Khánh Hòa của Công ty Hợp Nhất là L.Ng.N.T. đã sử dụng tiền lương, thưởng theo doanh số để chuyển tổng cộng 1,167 tỉ đồng cho Huỳnh Văn Dõng, Trần Quốc Huy và Tr.T.L.A. (trưởng khoa xét nghiệm CDC Khánh Hòa) để "ủng hộ công tác phòng, chống dịch và cho vay mượn cá nhân".
CDC Khánh Hòa còn phê duyệt trúng thầu cho 3 công ty khác, cũng vi phạm các thủ tục, quy định về đấu thầu nhưng chưa đến mức phải xem xét trách nhiệm hình sự.
Trong đó có một công ty tại Thủ Đức (TP.HCM) trúng 6 gói thầu tổng trị giá gần 2,135 tỉ đồng; một công ty ở TP Ninh Bình trúng 2 gói thầu tổng trị giá 2,75 tỉ đồng và một công ty ở quận Long Biên (Hà Nội) trúng 4 gói thầu tổng trị giá 1,089 tỉ đồng.
Sau khi thanh quyết toán các gói thầu với 3 công ty trên, 2 nữ nhân viên của khoa dược - vật tư y tế CDC Khánh Hòa cũng đã nhận được các khoản tiền "bồi dưỡng cho khoa".
Ng.T.T.P. đã nhận 53,1 triệu đồng của công ty ở Thủ Đức (TP.HCM) và 27,5 triệu đồng của công ty ở Ninh Bình. Còn nhân viên P.T.N.D. đã nhận 108,9 triệu đồng của công ty tại Hà Nội.
Như vậy tổng số tiền "cảm ơn", tiền "nhạy cảm" mà vợ chồng giám đốc CDC Khánh Hòa Huỳnh Văn Dõng cùng các nhân viên là bị cáo trong vụ án, nhân viên liên quan đang công tác tại CDC Khánh Hòa đã nhận của các doanh nghiệp và từ nhân viên các công ty trúng thầu tổng cộng hơn 4,2 tỉ đồng. Sau khi vụ án bị khởi tố, điều tra, các bị cáo và những cán bộ, nhân viên CDC Khánh Hòa nhận tiền đều đã nộp lại số tiền đã nhận đó. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa chỉ truy tố 6 bị can về hành vi "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị cáo hoàn toàn không bị truy tố về hành vi nhận tiền "cảm ơn", tiền "nhạy cảm", tiền vay mượn cá nhân liên quan đến các gói thầu, tổng cộng hơn 4,2 tỉ đồng kể trên. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/khong-truy-to-hanh-vi-nhan-hon-4-2-ti-dong-cam-on-sau-khi-trung-thau-tai-cdc-khanh-hoa-20240414133346699.htm