Dự thảo luật của TAND tối cao chỉ cho phép ghi âm, ghi hình ở phần khai mạc phiên tòa và tuyên án. Điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền tác nghiệp của báo chí.
Được tham dự nhưng không được ghi âm, ghi hình
Ngày 4.4, TAND Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội) mở phiên tòa xét xử 53 bị cáo trong vụ án liên quan đường dây cờ bạc gần 1.200 tỉ đồng. Thư ký phiên tòa liên tục nhắc nhở PV: "Báo chí không được ghi âm, ghi hình".
Báo chí tác nghiệp thông qua màn hình ti vi, tại phiên tòa xét xử đại án “chuyến bay giải cứu” PHÚC BÌNH
Trước đó, tại 2 phiên tòa xét xử vụ án Tân Hoàng Minh và kit test Việt Á, cùng diễn ra tại TAND TP.Hà Nội, báo chí được bố trí theo dõi tại một phòng riêng, thông qua màn hình ti vi. Thế nhưng các PV được yêu cầu không mang theo máy tính, điện thoại, không ghi âm, ghi hình, kể cả qua màn hình ti vi; bắt buộc phải ghi chép bằng giấy bút. Thực tế này khiến việc tác nghiệp của báo chí gặp rất nhiều khó khăn.
Trong dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi, cơ quan chủ trì soạn thảo là TAND tối cao đề xuất việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc và tuyên án, đồng thời phải có sự cho phép của chủ tọa. Điều này đồng nghĩa, người tham dự phiên tòa, trong đó có báo chí, không được phép ghi âm, ghi hình trong suốt quá trình diễn ra phần xét hỏi cũng như tranh tụng - diễn biến chính của một phiên tòa.
Giải thích về đề xuất trên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định dự thảo luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan báo chí về vụ án, mà "chỉ điều chỉnh trong phiên tòa xét xử".
Theo ông Bình, quy định như dự thảo nhằm bảo đảm chất lượng phiên tòa, "lúc xét xử, HĐXX, luật sư toàn tâm toàn ý cho vụ án, tập trung suy nghĩ cho vụ án, cứ chĩa máy quay vào mặt người ta, người ta bị phân tán".
"Tòa án sẽ ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ, lưu trong hồ sơ vụ án", Chánh án TAND tối cao cho hay.
Ông Trương Việt Toàn, nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa hình sự, TAND TP.Hà Nội, cho rằng việc cấm tuyệt đối báo chí ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa là không cần thiết. Thay vào đó, tòa án có thể bố trí phòng tác nghiệp riêng, với hệ thống màn hình ti vi để truyền dữ liệu từ phòng xử. Tại đây, báo chí tác nghiệp theo quy định, việc xét xử không bị ảnh hưởng, bảo đảm hài hòa cả hai bên.
Cần đảm bảo quyền tác nghiệp của báo chí
Đề xuất của TAND tối cao ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tác nghiệp của báo chí. Do đó, cả Bộ TT-TT và Hội Nhà báo VN đều đề nghị cho phép ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa công khai. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng đề nghị quy định theo hướng tạo điều kiện cho báo chí đưa tin chính xác về vụ án.
Bộ TT-TT dẫn quy định tại điều 25 luật Báo chí, nhà báo "được hoạt động nghiệp vụ báo chí tại các phiên tòa xét xử công khai; được bố trí khu vực riêng để tác nghiệp…". Đồng thời, ngay tại điều 5 dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi cũng xác định nguyên tắc tổ chức và hoạt động của TAND là "thực thi quyền tư pháp kịp thời, công bằng, công khai, vô tư, khách quan". Theo Bộ TT-TT, cần nghiên cứu quy định riêng về hoạt động báo chí tại phiên tòa; đảm bảo nguyên tắc nhà báo, PV được tiếp cận diễn biến phiên tòa, ghi âm, ghi hình chấp hành các quy định pháp luật về báo chí, nội quy phiên tòa.
Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT), nhận định báo chí là lĩnh vực hoạt động rất đặc thù, ngoài quy định chung trong hệ thống văn bản pháp luật, còn có quy định riêng tại luật Báo chí. Theo đó, báo chí có đặc quyền về tiếp cận nguồn tin và có trách nhiệm với nguồn tin, thông tin của mình. "Nếu dự thảo luật Tổ chức TAND quy định hạn chế ghi âm, ghi hình hoặc chỉ dự khai mạc sẽ ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí, ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn đọc, người xem", bà Thảo nói.
Để đảm bảo quyền tư pháp kịp thời, công bằng, vô tư, khách quan, bà Thảo đề nghị cơ quan soạn thảo nên tính đến quy định cụ thể cho báo chí vừa đúng quy định của luật Tổ chức TAND vừa đảm bảo quy định của luật Báo chí.
Hội Nhà báo VN cho rằng cần có quy định cụ thể hơn để có sự thống nhất giữa luật Tổ chức TAND sửa đổi với luật Báo chí về trường hợp, đối tượng nào cần giới hạn ghi âm, ghi hình để đảm bảo bí mật đời tư, cá nhân; cũng như không hạn chế quyền giám sát hoạt động phiên tòa của công dân. "Đề nghị không hạn chế ghi âm, ghi hình của báo chí để báo chí thực hiện đúng chức năng của mình", công văn nêu.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó trưởng ban Kiểm tra chuyên trách (Hội Nhà báo VN), đánh giá đề xuất của TAND tối cao chưa đảm bảo tính công khai như tinh thần của bộ luật Tố tụng dân sự, luật Tố tụng hành chính; đặc biệt là các quy định liên quan đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo theo luật Báo chí. Ông Tuấn đề nghị nên tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của đại diện cơ quan báo chí, quản lý báo chí, Hội Nhà báo VN, các cơ quan tiến hành tố tụng, chuyên gia pháp luật để phân tích rõ các vấn đề bất cập trong quá trình hoạt động tác nghiệp của báo chí tại các phiên tòa. Từ đó có những quy định cụ thể chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng được quyền lợi, đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên liên quan.
Khó đảm bảo độ chính xác của thông tin
Luật sư (LS) Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng LS Giang Thanh, Đoàn LS TP.Hà Nội) viện dẫn điều 25 luật Báo chí, nhấn mạnh nhà báo có nghĩa vụ "thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của nhân dân". Trường hợp báo chí không được ghi âm, ghi hình tại phiên tòa, không những rất khó để có được tác phẩm báo chí chất lượng, hấp dẫn, mà ngay cả độ chính xác, chân thực, khách quan và độ tin cậy cũng khó lòng bảo đảm.
Theo LS Tuyến, bộ luật Dân sự quy định cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Tuy vậy, những hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng thì không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ. Xét trong phạm vi phiên tòa, hoạt động xét xử công khai là môi trường công cộng, là hoạt động công cộng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, trong đó trọng tâm là đấu tranh, xử lý và phòng ngừa tội phạm chung.
Vẫn theo LS Tuyến, luật Báo chí đã điều chỉnh mọi phương diện trong hoạt động báo chí, xuất bản báo chí, trong đó có cả phạm trù về đạo đức, điều kiện đối với những người làm báo. Trong khi đó, luật Tổ chức TAND chỉ có giới hạn, phạm vi điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND, về thẩm phán, hội thẩm và các chức danh khác trong TAND, về bảo đảm hoạt động của TAND.
Quan hệ giữa hoạt động báo chí và hoạt động của tòa án là mối quan hệ không có tính gắn kết chặt chẽ; không có tính chi phối, lệ thuộc nhau. Nói khác đi thì đây là 2 mối quan hệ xã hội khác nhau, độc lập nhau về nhiều phương diện, đặc biệt là về quản lý nhà nước. Do đó, nếu lồng ghép hoạt động, nghiệp vụ báo chí vào luật Tổ chức TAND sẽ dẫn tới sự chồng chéo, vướng mắc và giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn thi hành.
Nếu dự thảo luật Tổ chức TAND quy định hạn chế ghi âm, ghi hình hoặc chỉ dự khai mạc sẽ làm ảnh hưởng tới tác nghiệp của báo chí. Điều này cũng ảnh hưởng tới quyền lợi của bạn đọc, người xem. Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó cục trưởng Cục Báo chí (Bộ TT-TT) |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/can-dam-bao-hoat-dong-cua-bao-chi-tai-phien-toa-185240406215248794.htm