BGTV- Mỗi dịp tết đến, xuân về... gia đình bạn bè sum họp, tổ chức tiệc tùng ăn uống, trong đó có không ít trường hợp bị ép buộc uống rượu, bia. Theo quy định của pháp luật việc này có bị xử phạt? Mức xử phạt như thế nào?
Trao đổi về vấn đề này Luật sư Ngô Thị Tuyến – Văn Phòng Luật sư Đại An (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) trả lời như sau:
Luật sư Ngô Thị Tuyến |
Trong mỗi dịp tết đến, xuân về trong các buổi tiệc, liên hoan, nhiều người vẫn có thói quen ép người khác uống bia rượu. Tuy nhiên, đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.
Cụ thể tại Điều 5, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau:
1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Nghị định 117/2020 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế): Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
- Ép buộc người khác uống rượu bia.
Như vậy, ép buộc người khác uống rượu, bia là hành vi bị nghiêm cấm và có thể bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Đây là mức phạt áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền sẽ gấp 2 lần.
Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 2, Điều 592 Bộ luật Dân sự năm 2015, khi một người cố ý dùng rượu hoặc chất kích thích khác làm cho người khác lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.
Như vậy, hành vi cố ép người khác uống rượu, bia là hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống của rượu, bia. Đồng thời, trong trường hợp làm người đó mất nhận thức và gây ra thiệt hại thì người ép buộc người khác uống rượu, bia phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại đó.
Tuy nhiên, việc chứng minh hành vi xúi giục, ép buộc người khác uống rượu, bia chưa có quy định cụ thể. Do đó, căn cứ để xử lý có hay không hành vi ép buộc người khác uống rượu bia thì cần người làm chứng hoặc trích xuất camera, những hình ảnh, video trong bàn nhậu thì mới có khả năng xử lý trách nhiệm.
Về thẩm quyền xử phạt, Luật sư Tuyến cho biết căn cứ theo quy định tại Điều 103, Điều 106, Nghị định 117/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, Chủ tịch UBND cấp xã, Trưởng công an cấp huyện có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với người có hành vi ép buộc người khác uống rượu, bia.
Duy Phách