Luật Luật sư có hiệu lực từ ngày 01/7/2007, được sửa đổi, bổ sung năm 2012, là bước ngoặt lớn về phát triển thể chế nhằm tạo nền tảng căn bản cho phát triển đội ngũ luật sư và nghề luật sư. Tuy nhiên, sau gần 17 năm thi hành, Luật Luật sư hiện hành đang bộc lộ những hạn chế, vướng mắc, ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo nghề luật sư ở nước ta.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh - Ảnh: VGP/Lê Sơn
Đào tạo luật sư gắn với xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Luật sư thời gian tới, Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh về một số vấn đề căn bản cần sửa đổi Luật Luật sư nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá về những dấu ấn của Luật Luật sư sau 17 năm thi hành, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nêu rõ: Điều quan trọng về thể chế mà Luật Luật sư đã làm được đối với hoạt động đào tạo nghề luật sư là đã và đang thực hiện tốt sứ mệnh xây dựng khuôn khổ pháp lý cho phát triển mô hình đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam. Nhiều vấn đề cốt yếu của mô hình đào tạo nghề luật sư đã cơ bản được điều chỉnh bởi Luật này, như: tiêu chuẩn, điều kiện của người hành nghề, trong đó có tiêu chuẩn về đào tạo nghề luật sư; chương trình đào tạo; cơ sở đào tạo; nguồn lực đào tạo; quản lý nhà nước về đào tạo nghề luật sư.
Trong đó, đáng chú ý là thời gian đào tạo đã nâng từ 6 tháng lên 12 tháng nhằm đảm bảo thời gian cần và đủ cho việc trang bị kiến thức về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và kỹ năng hành nghề cho những người sắp hành nghề luật sư.
"Đối với một quốc gia đang ở thời kỳ phát triển và hội nhập như Việt Nam, đây là những vấn đề có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, thể hiện sự đầu tư, quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đào tạo nghề luật sư nói riêng và phát triển nghề luật sư nói chung", Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.
Sau hơn 17 năm Luật Luật sư đi vào cuộc sống, không ít quy định về đào tạo nghề luật sư ở nước ta vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng bên cạnh đó, với sự phát triển không ngừng của điều kiện trong nước và quốc tế, cũng cần phải rà soát để có sự sửa đổi, bổ sung cần thiết đối với một số nội dung trong luật hiện hành về lĩnh vực này.
Ước tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 18.000 luật sư. Đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư ngày càng có vị thế quan trọng trong tương quan các ngành, nghề, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Ở góc nhìn của lãnh đạo ngành và công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề luật sư, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng cần đưa ra định hướng rà soát, sửa đổi quy định của Luật Luật sư về đào tạo nghề luật sư như thế nào thì trước tiên cần nhìn nhận một cách toàn diện bối cảnh đổi mới và phát triển hoạt động đào tạo chức danh tư pháp nói chung và đào tạo nghề luật sư nói riêng ở Việt Nam.
Đó là, phải gắn với mục tiêu thực hiện thắng lợi một trong các nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 27/NQ-TW ngày 09/11/2022 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới là: "Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng, phát triển đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, am hiểu pháp luật, giỏi về kỹ năng hành nghề và ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu về cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế".
Theo đó, hoạt động đào tạo nghề luật sư phải chú trọng đào tạo bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề luật sư theo Kết luận số 69-KL/TW ngày 24/02/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; Cần nhận diện đây là một trong số nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược của cả giai đoạn phát triển đào tạo nghề luật sư từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045.
4 nội dung lớn trong đào tạo, bồi dưỡng nghề luật sư
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh phân tích về việc tiếp cận lại một số quy định hiện hành sau đây:
Thứ nhất, với yêu cầu của thể chế chính trị nước ta, việc đào tạo nghề luật sư không thể tách rời giữa đào tạo đạo đức, kỹ năng, bản lĩnh nghề nghiệp với giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục bản lĩnh chính trị cho người sẽ hành nghề luật sư. Vì vậy, cần cân nhắc rất kỹ việc xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề luật sư.
Thay vì xã hội hóa, Nhà nước đứng ra đảm nhận nhiệm vụ đào tạo nghề luật sư (do đơn vị sự nghiệp công của Nhà nước đảm nhận) thì các mục tiêu trên mới có thể thực hiện một cách trọn vẹn và nghề luật sư mới có điều kiện phát triển đúng hướng. Đây là vấn đề liên quan đến việc rà soát, sửa đổi quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư trong Luật Luật sư hiện nay. Đương nhiên, vẫn rất cần đến sự phối hợp chặt chẽ và sự tham gia của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư trong hoạt động đào tạo nghề luật sư.
Thứ hai, quy định các đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư tại Điều 13 Luật Luật sư nếu chỉ nhìn ở góc độ chính sách và pháp lý thuần túy thì được cho là hợp lý, tạo cơ hội để các đối tượng này tận dụng kiến thức, kinh nghiệm sẵn có, giúp họ tiết kiệm thời gian, tài nguyên trong quá trình nâng cao năng lực và phát triển sự nghiệp, đồng thời tạo điều kiện cho người có kinh nghiệm chuyển đổi nghề nghiệp khi có nhu cầu.
Tuy nhiên, thực tế hành nghề luật sư cho thấy nhìn chung những đối tượng này lại thiếu các kiến thức căn bản về quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và kỹ năng hành nghề luật sư, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hành nghề luật sư.
Vì vậy, cần rà soát, sửa đổi quy định này theo hướng các đối tượng trên vẫn phải trải qua một khóa đào tạo nghề luật sư ngắn hạn hơn những đối tượng khác hoặc phải trải qua khóa bồi dưỡng nghề luật sư trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và hành nghề trên thực tế. Làm theo cách này sẽ lấp được khoảng trống về kiến thức đạo đức, ứng xử nghề nghiệp và kỹ năng hành nghề luật sư như đã đề cập, đồng thời sẽ nâng cao được chất lượng hành nghề luật sư trên thực tế.
Sát hạch chặt để ‘gây áp lực’ nhằm nâng cao chất lượng
Thứ ba, cần trao quyền chủ động nhiều hơn cho cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chương trình đào tạo để đảm bảo thích ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp theo hướng, trong thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Luật sư có thể quy định mang tính nguyên tắc về mục tiêu, chuẩn đầu ra, khung nội dung chương trình đào tạo nghề luật sư để trên cơ sở đó, thủ trưởng cơ sở đào tạo nghề luật sư quyết định ban hành chương trình đào tạo nghề luật sư (sau khi lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân liên quan), thay vì phải ban hành chương trình khung riêng lẻ như hiện nay.
Sửa đổi theo hướng này vừa đảm bảo được thẩm quyền quản lý nhà nước đối với Chương trình đào tạo nghề luật sư đã quy định tại khoản 4 Điều 12 Luật Luật sư hiện nay, vừa đảm bảo quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo đối với việc xây dựng, phát triển các chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người học và sự thay đổi nhanh, mạnh của điều kiện kinh tế - xã hội đất nước.
Thứ tư, để nâng cao hơn nữa chất lượng của luật sư và chất lượng hành nghề luật sư thì cũng cần nghiên cứu, thay đổi phương thức sát hạch để cấp chứng chỉ hành nghề luật sư. Từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, phương thức mang lại hiệu quả tốt hơn là tổ chức kỳ thi quốc gia để sàng lọc và đảm bảo điều kiện về năng lực chuyên môn thực sự của người sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư và hành nghề luật sư trên thực tế. Kỳ thi này cần có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan, tổ chức khác liên quan. Tổ chức sát hạch thật chặt chẽ theo phương thức này cũng là cách để "gây áp lực" cho việc nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và chất lượng tập sự hành nghề luật sư ở nước ta.
"Việc sửa đổi những nội dung cốt yếu trên đây là cần thiết để tiếp tục hoàn thiện mô hình đào tạo nghề luật sư ở Việt Nam thời gian tới. Đây là nhiệm vụ đặt ra không chỉ cho cơ quan lập pháp, cơ quan quản lý nhà nước về luật sư và nghề luật sư, mà còn cho cơ sở đào tạo, tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư", bà Đặng Hoàng Oanh nói.
Bà bày tỏ tin rằng, với những sửa đổi căn bản, khoa học và phù hợp tới đây thì Luật Luật sư sẽ thực hiện tốt hơn sứ mệnh là khuôn khổ pháp lý vững vàng để nghề luật sư và thị trường dịch vụ pháp lý Việt Nam có sự khởi sắc mới trong môi trường nghề nghiệp có nhiều cơ hội phát triển từ nay đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Theo Bộ Tư pháp, ước tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có trên 18.000 luật sư. Đội ngũ luật sư và tổ chức hành nghề luật sư ngày càng có vị thế quan trọng trong tương quan các ngành, nghề, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Báo Chính phủ
https://baochinhphu.vn/sua-doi-can-ban-luat-luat-su-nang-cao-chat-luong-dao-tao-nghe-luat-su-10224020614221275.htm