Ý kiến cho rằng cơ quan chức năng nên nghiên cứu việc xử lý tài xế có nồng độ cồn "vượt ngưỡng" ở mức phạt mạnh hơn, kể cả xử lý hình sự.
Một tài xế có nồng độ cồn tranh cãi với cảnh sát - Ảnh: HỒNG QUANG
Đa dạng hóa hình thức và nghiên cứu bỏ tù tài xế vi phạm nồng độ cồn là nội dung nhận được nhiều ý kiến thảo luận tại hội thảo "Tác hại của rượu, bia đối với người tham gia giao thông đường bộ" do Bộ Công an phối hợp Bộ Y tế tổ chức, sáng 29-1.
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn, đồng thời các đơn vị chức năng đang trong giai đoạn hoàn thiện các dự thảo luật liên quan.
"Người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều bị xử phạt như nhau"
Tại hội thảo, thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, cho hay từ năm 2022 đến nay, cảnh sát giao thông cả nước đã đồng loạt thực hiện quyết liệt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với tài xế; bước đầu hình thành thói quen của người tham gia giao thông "đã uống rượu, bia không lái xe".
Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận người tham gia giao thông trong cơ thể có nồng độ cồn. Cá biệt vẫn xuất hiện những vụ tai nạn liên hoàn, làm chết và bị thương nhiều người, gây tai nạn rồi bỏ chạy, chống lại người thi hành công vụ…
Ông Trần Hữu Minh, chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - Ảnh: HỒNG QUANG
Trước tình trạng giao thông hiện nay, ông Trần Hữu Minh, chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đánh giá các quy định xử lý nồng độ cồn đối với tài xế ở nước ta tương đối đầy đủ, chặt chẽ. Tuy nhiên, qua phân tích, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thấy rằng vẫn có thể sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành để làm tốt hơn.
Theo ông Minh, hiện mức xử phạt hành chính đối với vi phạm nồng độ cồn đã ở mức tương đối cao, tạo được sức răn đe tốt. Dù vậy pháp luật hiện hành quy định những người có nồng độ cồn ở mức trên 0,4mg/l khí thở, dù cao đến mấy vẫn chung một hình phạt. Vị này lấy ví dụ về việc người uống 5 cốc bia hay 30 cốc đều có thể bị xử phạt hành chính ở mức như nhau.
"Điều này chưa phù hợp và chưa tương xứng với mức độ vi phạm. Theo chúng tôi, nếu vượt qua mức 3 hoàn toàn có thể tách ra để xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự, kể cả chưa gây hậu quả", ông nói.
Để thực hiện việc xử lý vi phạm nồng độ cồn đặc biệt nghiêm trọng như vậy, theo ông Minh, cơ quan chức năng cần nghiên cứu để sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, cơ quan chuyên môn ngành y tế cần có văn bản nêu rõ nồng độ cồn ở mức nào là mức độ đặc biệt nghiêm trọng và khiến người điều khiển sẽ mất kiểm soát hoàn toàn.
Ngoài ra ông đề xuất nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt như: trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo bằng, tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe…
"Nên áp dụng tiêu chuẩn nồng độ cồn bằng 0"
Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, hiện nay trên thế giới, việc bỏ tù tài xế uống rượu bia đã được nhiều nước áp dụng như Nhật Bản, Czech, Slovakia…
"Các quốc gia áp dụng bỏ tù người uống rượu bia khi lái xe là các nước có tỉ lệ tai nạn giao thông do nồng độ cồn cao", ông Dũng nói và cho hay theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ở Việt Nam năm 2022 số vụ tai nạn liên quan đến rượu bia và số người chết chiếm khoảng 1/3 trên tổng số.
Trước những băn khoăn gần đây của dư luận về việc quy định nồng độ cồn bằng 0, ông Dũng cho rằng việc này có hiệu quả trong việc kéo giảm tai nạn giao thông và Việt Nam nên cân nhắc duy trì quy định này. Dẫn chứng tại Nhật Bản, Thụy Điển và Úc, TS Dũng cho biết các quốc gia này đã giảm tỉ lệ tai nạn do lái xe say rượu lần lượt là 90%, 60% và 40% kể từ khi áp dụng chính sách "không dung thứ".
"Có ý kiến cho rằng những quy định nghiêm khắc về nồng độ cồn có thể gây suy giảm doanh thu một số ngành hàng, kinh tế, tuy nhiên tôi cho rằng những ưu điểm mang lại lớn gấp nhiều lần. Đó là tính mạng, sức khỏe con người và trật tự xã hội", ông Dũng nói thêm.
Đồng quan điểm, TS Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của WHO, cho hay mỗi con người sẽ có ngưỡng chuyển hóa nồng độ cồn khác nhau. Đồng thời việc sử dụng lượng rượu, bia ở mức rất nhỏ cũng sẽ có tác động tới ý thức và hành vi của con người. "Do vậy quy định pháp luật nên rõ ràng rằng: Không uống rượu rồi lái xe", bà Vân nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông), cho biết Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn đứng vào loại cao trên thế giới (thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới). Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có nồng độ cồn. Dù đã biết quy định này nhưng một bộ phận người điều khiển phương tiện vẫn coi thường pháp luật, coi thường tính mạng của bản thân và người khác, cố tình vi phạm, hậu quả là những vụ tai nạn giao thông hết sức thương tâm. Năm 2023, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 770.679 trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn. Tức là mỗi ngày có hơn 2.100 tài xế có "hơi men" bị xử lý. Gần đây nhất, trong 15 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết 2024, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý 40.806 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trung bình mỗi ngày xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/kien-nghi-xu-ly-hinh-su-tai-xe-co-nong-do-con-o-muc-cao-ke-ca-khi-chua-gay-hau-qua-20240129142407167.htm