Người lao động ứng tuyển công việc ở một công ty, phía công ty gửi một thỏa thuận công việc, trong đó có nội dung là yêu cầu 'xem việc' trong một tuần.
“Gần đây, tôi ứng tuyển công việc ở một công ty. Sau đó, phía công ty gửi cho tôi một thỏa thuận công việc, trong đó có nội dung là yêu cầu “xem việc” trong một tuần, làm việc bình thường 8 giờ/ngày (từ thứ hai đến thứ sáu) với mức lương hơn 100.000 đồng/ngày. Nếu sau đó, mọi thứ đều ổn thì tôi mới được “thử việc”, thời gian là 2 tháng với mức lương 85% lương cơ bản. Tôi thấy lấn cấn chỗ “xem việc” này, có phải công ty đang "bắt chẹt" nhân viên không ?”.
Trường hợp nêu trên của bạn Nguyễn Ngọc Nhi, người lao động đang ứng tuyển vào một công ty tại TP.HCM.
Tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương khi được nhận việc THANH NIÊN
Luật sư tư vấn
Luật sư Nguyễn Hải Nam (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, theo điều 24 Bộ luật Lao động hiện hành, chỉ quy định hợp đồng thử việc mà không quy định về vấn đề xem việc. Theo đó, khi người lao động được nhận thử việc thì giữa người lao động và người sử dụng lao động phải ký hợp đồng thử việc.
Thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc, nhưng chỉ được thử việc một lần đối với một công việc và bảo đảm điều kiện sau đây: không quá 180 ngày đối với công việc của người quản lý doanh nghiệp; không quá 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên; không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ; không quá 6 ngày làm việc đối với công việc khác.
Đồng thời, tiền lương trong thời gian thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương khi được nhận việc.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng quy định, khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo kết quả thử việc cho người lao động. Nếu thử việc đạt thì giao kết hợp đồng lao động hoặc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì chấm dứt hợp đồng lao động đã giao kết hoặc hợp đồng thử việc.
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Hải Nam, việc đưa ra thêm hình thức “xem việc” để kéo dài thời gian thử việc là không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, gây thiệt hại đến quyền lợi của người lao động.
Một nữ nhân sự có nhiều năm kinh nghiệm đang làm việc tại một công ty dịch vụ ở Q.1 (TP.HCM) chia sẻ với PV Thanh Niên, việc quy định thêm nội dung “xem việc” là sai bản chất quan hệ lao động. Đối với việc phía người sử dụng lao động muốn kéo dài thêm một thời gian ban đầu, có thể vì bên công ty đang có tiêu chuẩn cao đối với người lao động ở thời điểm ban đầu hoặc công ty đang tính toán, cân nhắc về các yếu tố tài chính - kinh tế...
Thế nên, trong trường hợp này, đa số người lao động phải tự quyết định sau khi xem xét kỹ nội dung “xem việc” mà công ty đề nghị. Cần lưu ý thêm rằng, người lao động cần phải được biết rõ thời gian “xem việc” đó, người lao động được hưởng gì, có công bằng như thời gian thử việc không (như nếu nghỉ trong tuần đó thì thù lao phát sinh có được thanh toán không, nghỉ có phải báo trước không…).
Nếu người lao động thấy yêu cầu này vẫn ổn cho mình thì có thể đồng ý thỏa thuận. Nữ nhân sự này cho rằng không được cổ xúy cho hình thức "xem việc" nhưng người lao động cần tính toán để tránh bỏ lỡ một công việc tốt.
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cong-ty-doi-xem-viec-truoc-khi-thu-viec-nguoi-lao-dong-la-dung-hay-sai-185231204120658653.htm