Do khó khăn, chị H. nhận mang thai hộ nhưng thực chất là đẻ thuê, nhưng sinh con ra chị muốn giữ đứa bé lại. Vậy chị H. có thể kiện để giành quyền nuôi con không?
Minh họa: NGỌC THÀNH
Vì khó khăn, chị H. nhận mang thai hộ (thực chất là đẻ thuê chui bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm) cho một cặp vợ chồng ở thành phố. Tuy nhiên khi sinh con ra chị H. thực sự rất yêu thương đứa trẻ nên không muốn giao con. Vậy chị H. có thể giành quyền nuôi con bằng bản án của tòa không?
Trần Ngọc Phương gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Đoàn luật sư TP Hà Nội) tư vấn về việc mang thai hộ như sau:
Thứ nhất, luật pháp quy định chị H. có thể yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi thấy bị xâm phạm theo quy định tại điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: "Quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do bộ luật này quy định có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Luật sư Nguyễn Thế Truyền
Như vậy, chị H. có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ các quyền của mình và cung cấp chứng cứ đứa trẻ là con của chị, do chị sinh ra (giấy chứng sinh, giấy khai sinh, xét nghiệm ADN).
Thứ hai, về hành vi đẻ thuê chui của chị H. là vi phạm pháp luật về mang thai hộ:
Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định về mang thai hộ như sau:
"Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con".
"Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác". Trong đó, tại điểm g, khoản 2, điều 5 luật này có quy định cấm "Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại".
Luật cũng quy định rõ điều kiện của người được nhờ mang thai hộ tại khoản 3, điều 95 Luật Hôn nhân gia đình 2014:
"a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý".
Trong trường hợp trên, chị H. không đảm bảo điều kiện là người thân thích của người nhờ mang thai hộ, có dấu hiệu mang thai hộ vì mục đích thương mại, vi phạm điều cấm của pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự theo quy định tại điều 100 Luật Hôn nhân gia đình 2014.
Cụ thể, chị H. có thể bị xử phạt hành vi vi phạm quy định về sinh con theo điều 60 nghị định 80/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Ngoài ra, nếu xét thấy tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng hơn, chị H. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tóm lại, trong trường hợp này chị H. hoàn toàn có quyền đề nghị tòa xác định đó là con của chị "nếu có" tranh chấp xảy ra. Tuy nhiên, chị cũng có thể bị xử lý hành vi vi phạm pháp luật về mang thai hộ.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/mang-thai-ho-xong-lai-muon-giu-lai-con-thi-co-kien-duoc-khong-20231113111349772.htm