Trong trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp mà không thể tự thương lượng, hòa giải với nhau thì giải pháp tối ưu là khởi kiện ra tòa án.
Bạn Nguyễn Văn Thanh (TP HCM), hỏi: Thời gian gần đây có nhiều trường hợp căng băng rôn ở nơi công cộng để đòi quyền lợi. Việc này có vi phạm pháp luật?
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM, trả lời: Khi bức xúc về việc các công ty bất động sản, các dự án, các công ty, các đơn vị… không thực hiện đúng thỏa thuận đã cam kết hoặc bức xúc trước giải quyết của các cơ quan, đơn vị thì người dân thường căng băng rôn phản đối.
Việc căng băng rôn ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, kẹt xe… rất dễ dẫn đến nguy cơ vi phạm pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP HCM
Theo điều 7, Nghị định 144/2021, đối với hành vi gây mất trật tự công cộng ở nơi biểu diễn nghệ thuật, nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, trụ sở cơ quan, tổ chức, khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác, người vi phạm sẽ bị phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền từ 300 - 500.000 đồng.
Đối với hành vi tổ chức, tham gia tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng, người vi phạm có thể bị phạt từ 1 - 2 triệu đồng.
Đối với cá nhân khi tổ chức thực hiện căng băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ bị phạt từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng, phạt từ 1 - 2 triệu đồng đối với tổ chức (điều 12, Nghị định 100/2019).
Nếu hành vi căng băng rôn, biểu ngữ nhằm mục đích xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm hay vu khống, đe dọa, xâm phạm đến lợi ích cá nhân, pháp nhân, có thể bị xử lý hình sự theo điều 155, 156, 331 Bộ Luật Hình sự. Cụ thể:
Đối với tội làm nhục người khác được quy định tại điều 155, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Đối với tội vu khống được quy định tại điều 156, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Đối với tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được quy định tại điều 331, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Do đó, trong trường hợp các bên có phát sinh tranh chấp mà không thể tự thương lượng, hòa giải với nhau thì giải pháp tối ưu là khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc này sẽ giúp người dân tránh những rủi ro về vi phạm pháp luật, thay vì căng băng rôn.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/phap-luat/cang-bang-ron-de-doi-quyen-loi-co-vi-pham-20231112085846176.htm