16
/
155040
Súng đạn gửi lên máy bay, công ty chuyển phát vô can?
sung-dan-gui-len-may-bay-cong-ty-chuyen-phat-vo-can
news

Súng đạn gửi lên máy bay, công ty chuyển phát vô can?

Thứ 4, 18/10/2023 | 11:59:00
1,910 lượt xem

Liên tiếp trong những tháng qua, lực lượng soi chiếu ở sân bay Đà Nẵng đã phát hiện 3 vụ gửi súng đạn qua đường hàng không. Đáng nói, các viên đạn vẫn còn nguyên hạt nổ, có thuốc súng...

Sân bay Đà Nẵng liên tục phát hiện hàng cấm là vũ khí, vật liệu nổ gửi theo đường hàng không - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sân bay Đà Nẵng liên tục phát hiện hàng cấm là vũ khí, vật liệu nổ gửi theo đường hàng không - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Điều đáng nói nữa là hàng cấm này được các công ty chuyển phát làm thủ tục vận chuyển gửi đi theo đường hàng không.

Thực tế hiện nay nhân sự ngành này chủ yếu là lao động phổ thông, không được trang bị các kiến thức pháp luật, các kỹ năng để phát hiện hàng cấm. Họ cũng không có đủ trang thiết bị kỹ thuật để hỗ trợ quá trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trước khi tiếp nhận.

Luật sư Nguyễn Công Tín


"Kẹo đồng" đội lốt... máy xăm

Vụ mới nhất hồi đầu tháng 10 này, khi nhân viên soi chiếu kiểm tra kiện hàng EB 5677216XX thì phát hiện một khẩu súng ngắn dạng Rulo và 6 viên đạn vỏ đồng, đầu chì vẫn còn nguyên vẹn. Kiện hàng này ghi thông tin người gửi sơ sài gồm tên và số điện thoại. Nội dung hàng gửi ghi là "bán máy xăm" với địa chỉ người nhận ở tỉnh Bình Dương.

Qua khai thác thông tin thì kiện hàng này được ông Nguyễn Mạnh H. (trú Đà Nẵng), nhân viên giao hàng của Công ty chuyển phát nhanh EMS Bưu Điện, làm thủ tục vận chuyển gửi đi theo đường hàng không. Đây là lần thứ ba trong vòng sáu tháng qua, sân bay Đà Nẵng phát hiện các kiện hàng do các công ty chuyển phát gửi có chứa súng đạn.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã liên hệ Công ty chuyển phát nhanh EMS Bưu Điện để làm rõ vấn đề này nhưng người đại diện từ chối trả lời.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phú Bình - giám đốc một công ty logistics tại Đà Nẵng - cho rằng việc các cơ quan chức năng liên tục phát hiện các công ty chuyển phát vận chuyển hàng hóa, vật phẩm là vũ khí, vật gây nổ, ma túy... là hồi chuông cảnh báo về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bưu chính.

Theo ông Bình, Luật Bưu chính năm 2010 trao quyền, nghĩa vụ cho các công ty bưu chính phải kiểm tra bưu gửi trước khi tiếp nhận. Tuy nhiên thực hiện thế nào thì mỗi công ty bưu chính có một quy trình khác nhau. "Một số trường hợp phát hiện công ty chuyển phát vận chuyển hàng cấm nhưng xử lý rất khó khăn, vì họ thường vin vào lý do là không biết nên không có tội", ông Bình nói.

Ông Bình cho rằng cần phải phân biệt giữa việc "không biết" do đã áp dụng tất cả các biện pháp nhưng không thể phát hiện, khác hoàn toàn với việc "không biết" do cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Trong đó có trường hợp cá nhân cẩu thả, thiếu trách nhiệm dẫn đến tiếp nhận vận chuyển bưu gửi là hàng cấm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

"Tôi cho rằng đã đến lúc luật cần cụ thể hóa quy trình, thủ tục kiểm tra, tiếp nhận bưu gửi. Phải có một quy tắc xử sự chung để bảo đảm rằng mỗi nhân viên bưu chính phải có trách nhiệm cụ thể, hành động cụ thể khi kiểm tra bưu gửi.

Thậm chí với nhóm hàng chuyển qua đường hàng không, nguy cơ rất cao thì ngoài việc kiểm soát qua chứng từ xuất xứ hàng hóa, bằng mắt thường cần phải có thiết bị chuyên dụng để kiểm tra. Quy định nội bộ của doanh nghiệp cần gắn trách nhiệm với mỗi cá nhân, phòng ban cụ thể để hạn chế xảy ra tiêu cực và kịp thời chấn chỉnh, xử lý khi có vi phạm" - ông Bình đề xuất.

Một số loại súng đạn được gửi qua sân bay Đà Nẵng bị phát hiện qua soi chiếu - Ảnh: S.B.

Một số loại súng đạn được gửi qua sân bay Đà Nẵng bị phát hiện qua soi chiếu - Ảnh: S.B.

Không thể nói "không biết" là xong?

Trong khi đó theo các luật sư, việc công ty chuyển phát gửi súng đạn lên máy bay không thể nói "không biết" là xong. Bởi Luật Bưu chính năm 2010 quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực bưu chính và chế tài xử phạt.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tứ (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), điều 29 Luật Bưu chính năm 2010 quy định rõ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải có nghĩa vụ kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận.

Nếu phát hiện bưu gửi là vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính theo quy định (bao gồm cả vũ khí quân dụng, ma túy, các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy, mê tín dị đoan...) thì doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải từ chối cung ứng dịch vụ bưu chính.

Đây là nghĩa vụ bắt buộc pháp luật quy định dành riêng cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính.

Đồng thời tùy thuộc vào tính chất, mức độ lỗi và hậu quả của hành vi vi phạm của doanh nghiệp mà các chế tài khác nhau. Cụ thể về trách nhiệm hành chính thì điều 9 nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu chấp nhận gửi những vật phẩm, hàng hóa không được gửi, chấp nhận, vận chuyển qua mạng bưu chính.

Ngoài ra, đối tượng vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Về trách nhiệm hình sự thì Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) có quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm tại điều 191 và tội vận chuyển trái phép chất ma túy tại điều 250.

"Đối với hai tội này cần lưu ý lỗi cố ý, tức là chủ thể thực hiện hành vi phải có ý thức về hành vi của mình là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, ý thức được về việc mình đang tàng trữ hoặc vận chuyển hàng cấm. Trường hợp công ty chuyển phát hoặc người giao hàng thật sự "vô tình" không biết bưu gửi là hàng cấm, ma túy... thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những tội danh này. Nhưng chắc chắn lỗi xử phạt hành chính là không thể tránh khỏi" - luật sư Tứ phân tích.

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Công Tín (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng khoản 3 điều 29 Luật Bưu chính 2010 quy định rõ: doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có quyền và nghĩa vụ "kiểm tra nội dung gói, kiện hàng hóa trước khi chấp nhận".

Do vậy, để xảy ra tình trạng hàng hóa, vật phẩm cấm lưu thông như vũ khí, ma túy được vận chuyển qua mạng bưu chính, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính không thể vô can.

Theo luật sư Tín, nghị định 15 (được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 14/2022/NĐ-CP) cũng nêu cụ thể việc để xảy ra tình trạng nêu trên thì các công ty bưu chính ngoài việc bị xử phạt còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép bưu chính hoặc văn bản xác nhận thông báo hoạt động bưu chính từ 1 tháng đến 3 tháng trong trường hợp tái phạm.

Trường hợp qua xác minh, điều tra xác định nhân viên công ty bưu chính có hành vi tiếp tay, đồng lõa, hỗ trợ hoặc tạo điều kiện cho các đối tượng thực hiện các hành vi vận chuyển, mua bán vũ khí, ma túy hoặc hàng hóa cấm lưu thông khác thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Tín cho rằng hiện nay các quy định điều kiện kinh doanh dịch vụ chuyển phát khá lỏng lẻo. Nên để khắc phục tình trạng này, pháp luật nên điều chỉnh theo hướng cụ thể hóa, chặt chẽ hóa các điều kiện kinh doanh dịch vụ bưu chính. Cụ thể như việc yêu cầu nhân sự tiếp nhận bưu gửi phải được phổ cập kiến thức pháp luật, trang bị kỹ năng nhận diện hàng cấm.

Đồng thời, cần sớm bắt buộc các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính phải có trang thiết bị kỹ thuật đạt chuẩn chất lượng để hỗ trợ quá trình kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trước khi tiếp nhận. Pháp luật cần quy định rõ đây là điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính.

Đủ chiêu qua mắt soi chiếu

Theo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, danh mục vật phẩm nguy hiểm hạn chế mang theo người, hành lý lên máy bay thì chất nổ và các chất gây cháy nổ đều là những vật dụng không được mang lên máy bay (cả khoang hành khách và khoang hàng).

Cụ thể, những đồ không được mang lên máy bay bao gồm: chất nổ và các chất gây cháy nổ và các vật có thành phần gồm ngòi nổ, dây nổ và các thành phần cấu thành khác được sử dụng để gây sát thương hoặc đe dọa đến sự an toàn của máy bay như các loại đạn, kíp nổ, ngòi nổ, dây cháy chậm, đạn khói, các loại thuốc nổ, thuốc súng.

Đồng thời danh mục vật phẩm nguy hiểm còn có vũ khí, súng và các loại vật dụng được thiết kế để gây sát thương hoặc các vật giống như vũ khí gồm các thành phần cấu tạo của súng và đạn (bao gồm súng tự chế như các loại súng in 3D, loại không xác định).

Để qua mắt lực lượng soi chiếu, thậm chí có trường hợp người gửi tách rời những kiện hàng có linh kiện của súng tự chế bằng kim loại. Sau khi phát hiện nghi vấn, nhân viên an ninh lắp ghép những linh kiện này thì thành một khẩu súng hoàn chỉnh.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/sung-dan-gui-len-may-bay-cong-ty-chuyen-phat-vo-can-20231017224857614.htm 

  • Từ khóa

Ấn định ngày xét xử vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố NSƯT Vũ Linh

Phiên xét xử dự kiến thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận.
16:05 - 02/12/2024
18 lượt xem

Vụ 'dẹp đường' cho xe đám cưới: Một vệ sĩ ra đầu thú

Lê Hà Đông (ngụ xã Đông Nam, H.Đông Sơn, Thanh Hóa), một trong các vệ sĩ có hành vi "dẹp đường" cho xe đám cưới, đã đến cơ quan công an đầu thú, khai nhận...
16:18 - 02/12/2024
11 lượt xem

Vụ GFDI lừa đảo hơn 3.700 tỉ đồng: Khám xét hàng loạt chi nhánh tại TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ

Công an vừa hoàn tất việc khám xét tất cả chi nhánh Công ty GFDI tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
14:15 - 02/12/2024
69 lượt xem

Vụ Tân Hoàng Minh 'chưa từng có tiền lệ', chỉ 4 tháng đã cơ bản xong THADS

Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội cho biết, vụ án Tân Hoàng Minh có số lượng bị hại và tiền phải thi hành rất lớn, 'chưa từng có tiền lệ', nhưng bằng nhiều...
11:32 - 02/12/2024
142 lượt xem

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" vi phạm giao thông

Quy định mới về trình tự xử lý "phạt nguội" phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được quy định trong Thông tư số 73/2024/TT-BCA, ngày...
09:57 - 02/12/2024
192 lượt xem