Cha mẹ để lại hai bản di chúc có người thụ hưởng khác nhau, vậy bản di chúc nào có giá trị?
Minh họa: NGỌC THÀNH
Năm 2017, bố mẹ tôi có di chúc có công chứng để căn nhà cho tôi nhưng sau khi bố mẹ tôi mất thì anh trai tôi đưa ra bản di chúc khác do bố mẹ tôi lập năm 2020 cũng có công chứng lại để căn nhà đó cho anh trai tôi. Vậy di chúc nào có hiệu lực pháp lý, di chúc của tôi không bị hủy bỏ thì có hiệu lực hay không?
Bà Hoàng Tố Nga gửi câu hỏi nhờ luật sư tư vấn.
Luật gia Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum) tư vấn:
Theo quy định tại khoản 1, điều 643 về hiệu lực của nội dung di chúc thì: "1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế".
Đồng thời, theo điều 640 Bộ luật Dân sự năm 2015 về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc quy định:
1. Người lập di chúc có thể sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ di chúc đã lập vào bất cứ lúc nào.
Luật gia Phạm Văn Chung
2. Trường hợp người lập di chúc bổ sung di chúc thì di chúc đã lập và phần bổ sung có hiệu lực pháp luật như nhau; nếu một phần của di chúc đã lập và phần bổ sung mâu thuẫn nhau thì chỉ phần bổ sung có hiệu lực pháp luật.
3. Trường hợp người lập di chúc thay thế di chúc bằng di chúc mới thì di chúc trước bị hủy bỏ".
Như vậy, theo quy định trên, nếu di chúc bố mẹ của bạn lập năm 2020 là di chúc hợp pháp có nội dung để lại tài sản là căn nhà cho anh trai bạn thì di chúc đó có hiệu lực.
Có nghĩa di chúc mà bố mẹ bạn lập năm 2017 để lại cho bạn căn nhà không có giá trị pháp lý - không có hiệu lực.
Theo Vĩnh Linh/ Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/co-hai-ban-di-chuc-thi-ban-nao-co-gia-tri-phap-ly-20231002084233943.htm