'Tôi muốn tìm việc nên tới một chỗ giới thiệu dịch vụ việc làm gần nhà. Sau đó họ nói tôi phải đóng 200.000 đồng cho phí tư vấn. Như vậy có đúng luật không?'.
Thắc mắc về phí tư vấn việc làm nêu trên của chị Nguyễn Thị Trâm, bạn đọc Báo Thanh Niên.
Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM), dịch vụ việc làm bao gồm tư vấn, giới thiệu việc làm; cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động; thu thập, cung cấp thông tin về thị trường lao động.
Hiện có 2 loại hình tổ chức dịch vụ việc làm bao gồm trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Trong đó, trung tâm dịch vụ việc làm là đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan quản lý nhà nước thành lập hoặc do tổ chức chính trị - xã hội thành lập.
Còn doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và phải có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước về việc làm cấp tỉnh cấp.
Đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, khi tư vấn thì phí không quá 10.000 đồng đối với người lao động, không quá 20.000 đồng đối với người sử dụng lao động NGỌC DUY
Đóng phi tư vấn, giới thiệu việc làm như thế nào?
Luật sư Trương Văn Tuấn cho hay phí tư vấn, giới thiệu việc làm là khoản phí mà người lao động hoặc người sử dụng lao động phải thanh toán cho trung tâm dịch vụ việc làm và doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm.
Theo khoản 1, điều 3 luật Phí và lệ phí năm 2015 thì phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong danh mục phí ban hành kèm theo luật này.
Bảng cung cấp thông tin tuyển dụng trước Trung tâm dịch vụ việc làm TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM) THU NGÂN
Theo khoản 4 điều 39 luật Việc làm năm 2013 thì doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm được thu phí theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí và mức thu phí. Theo đó:
Thứ nhất, đối với trung tâm dịch vụ việc làm: chỉ thu phí đối với người sử dụng lao động, mức thu khi tư vấn là không quá 20.000 đồng; khi giới thiệu việc làm là không quá 20% tiền lương 1 tháng lương đầu ghi trong hợp đồng lao động.
Thứ hai, đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm: khi tư vấn là không quá 10.000 đồng đối với người lao động, không quá 20.000 đồng đối với người sử dụng lao động. Còn khi giới thiệu việc làm đối với người lao động là không quá 200.000 đồng, đối với người sử dụng lao động là không quá 20% tiền lương 1 tháng lương đầu ghi trong hợp đồng lao động.
Điểm cần lưu ý, theo luật sư Trương Văn Tuấn, phí giới thiệu việc làm chỉ được thanh toán khi tổ chức giới thiệu việc làm thực hiện xong công việc giới thiệu việc làm để người lao động nhận được việc làm.
Ngoài ra, theo điều 54 luật Việc làm năm 2013, người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí.
Niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm Luật sư Trương Văn Tuấn thông tin thêm từ ngày 1.1.2017, dịch vụ việc làm chuyển sang thực hiện giá dịch vụ. Theo khoản 5 điều 31 Nghị định 23/2021 thì doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm có trách nhiệm xây dựng giá cung ứng việc làm và niêm yết công khai giá cung ứng dịch vụ việc làm cho người lao động tại trụ sở theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho đến nay chưa tìm thấy quy định pháp luật nào hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng giá cung ứng dịch vụ việc làm. Ngoài ra, hiện nay trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh đang thực hiện xây dựng các phương án tự chủ tài chính. Thế nên việc hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp đang được đảm bảo từ nguồn ngân sách nhà nước và sẽ dần chuyển đổi sang nguồn quỹ bảo hiểm thất nghiệp để triển khai có hiệu quả và phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp. |
Theo Thanh niên
https://thanhnien.vn/cac-noi-gioi-thieu-viec-lam-co-duoc-thu-tien-cua-nguoi-lao-dong-18523082513054584.htm