Năm 2020, tôi vay 2 tỉ của một ngân hàng ở TP.HCM trong 15 năm. Tới nay, tôi có tiền nên muốn tất toán khoản nợ trên, kể cả nộp phạt và các khoản phí phát sinh, nhưng ngân hàng không cho trả nợ trước hạn.
Ngân hàng không chịu cho người vay trả nợ trước hạn - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH
Họ cứ hẹn hết ngày này tới ngày khác để kéo dài thời gian tính lãi từng ngày với tôi. Trong khi tiền của tôi trả nợ đã có sẵn trong tài khoản nhưng ngân hàng không chịu trừ nợ, không chịu giải quyết. Vậy có cách nào để tôi giải quyết dứt điểm khoản nợ trên với ngân hàng không?
Một bạn đọc gửi câu hỏi tới Tuổi Trẻ Online.
- Luật sư Nguyễn Phong Phú tư vấn:
Luật sư Nguyễn Phong Phú
Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên.
Theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
Nghĩa vụ trả tiền phải được thực hiện đầy đủ, đúng thời gian, đúng địa điểm và phương thức đã thỏa thuận.
Nghĩa vụ trả tiền bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Bên cạnh đó, pháp luật vẫn quy định việc chấm dứt hợp đồng trước hạn và đơn phương chấm dứt hợp đồng, cụ thể:
Điều 470: Thực hiện hợp đồng vay có kỳ hạn
1. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý. Bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý.
2. Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi, bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điều 428: Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng
1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.
2. Bên đơn phương chấm dứt hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.
4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.
5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 điều này thì bên đơn phương chấm dứt hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của bộ luật này, luật khác có liên quan.
Theo đó, bạn hoàn toàn có quyền được trả nợ trước hạn, bao gồm cả lãi suất, tiền phạt và chi phí phát sinh (nếu có). Trường hợp ngân hàng không đồng ý cho bạn thanh toán trước hạn, bạn thực hiện các thủ tục để đơn phương chấm dứt hợp đồng theo quy định và có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền, yêu cầu chấm dứt hợp đồng vay để không tiếp tục trả lãi.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/ngan-hang-khong-cho-nguoi-vay-tra-no-truoc-han-phai-lam-sao-20230813162926334.htm