16
/
151815
Giả danh công an gọi điện hù dọa, lừa đảo: Những chiêu thức và cách phòng ngừa
gia-danh-cong-an-goi-dien-hu-doa-lua-dao-nhung-chieu-thuc-va-cach-phong-ngua
news

Giả danh công an gọi điện hù dọa, lừa đảo: Những chiêu thức và cách phòng ngừa

Thứ 6, 11/08/2023 | 12:30:00
2,002 lượt xem

BẮC GIANG - Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang liên tiếp xảy ra các vụ lừa đảo trên không gian mạng với thủ đoạn giả danh công an gọi điện đến bị hại hù dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản rồi chiếm đoạt. Vì thế, mọi người dân cần nâng cao cảnh giác, tránh bị “sập bẫy” đối tượng xấu.

Cán bộ Phòng giao dịch Tân Dĩnh phối hợp với Công an xã tuyên truyền, giải thích cho bà H.T.H tránh bị đối tượng giả danh công an lừa đảo. Ảnh tư liệu

Thủ đoạn của các đối tượng này là sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan công an hoặc dùng số điện thoại thường (đều là sim rác) để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền cá nhân nào đó hoặc chậm trả nợ tại các ngân hàng hay là có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh... 

Các đối tượng này yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, chúng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra hoặc tịch thu niêm phong nhà nếu không chuyển tiền cho chúng hoặc đọc mã OTP để đối tượng thực hiện việc chuyển tiền của bị hại vào các tài khoản của chúng.

Để tạo tin tưởng sự việc là có thật, các đối tượng này còn nói chính xác họ tên, năm sinh, địa chỉ nhà riêng, địa chỉ nơi làm việc, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân của bị hại…

Theo Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Công an tỉnh), hoạt động của các đối tượng lừa đảo trên ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi. Trong 6 tháng đầu năm nay, đơn vị đã làm rõ, khởi tố 6 vụ, 9 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Bên cạnh đó, công an các huyện, TP cũng tiếp nhận nhiều đơn trình báo của bị hại về việc kẻ xấu giả danh công an gọi điện đến hù họa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản của chúng.

Điển hình ngày 25/7, bà H.T.H (SN 1964) ở thôn Cầu Trong, xã Mỹ Thái (Lạng Giang) nhận được cuộc điện thoại của đối tượng xưng tên là Nguyễn Đạt Phát, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (Bộ Công an), yêu cầu bà H chuyển tiền vào tài khoản của chúng để phối hợp điều tra vì bà đang liên quan đến một vụ án hình sự vừa bị Bộ Công an khởi tố.

Thấy vậy, bà H hoang mang, lo sợ nên vội ra Phòng giao dịch Tân Dĩnh, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Lạng Giang- Bắc Giang II làm thủ tục rút 155 triệu đồng từ 2 sổ tiết kiệm để chuyển vào tài khoản cho bọn chúng. Rất may, cán bộ Phòng giao dịch có ý thức cảnh giác, thấy nghi ngờ nên phối hợp Công an xã ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo trên.

Trước đó, ngày 16/5, bà N, trú tại xã Ngọc Châu (Tân Yên) nhận được cuộc gọi từ thuê bao có số điện thoại 0328446413, tự xưng tên là Hà Xuân Uy, làm việc tại Đội Phòng, chống tội phạm kinh tế - C03, Công an tỉnh Bắc Giang và Thiếu tá Hà Văn Luân, Đội trưởng Đội điều tra Công an tỉnh Bắc Giang nói bà N đã tham gia vào một đường dây buôn bán ma tuý với số lượng lớn, hiện tại số tiền tham gia buôn bán đã lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Với lý do phục vụ việc xác minh, điều tra, các đối tượng đề nghị bà N cung cấp thông tin về số căn cước công dân, số tài khoản tiền gửi, sổ tiết kiệm tại ngân hàng. Lo sợ, bà N đã cung cấp cho đối tượng biết bản thân có gửi tại Agribank Chi nhánh huyện Tân Yên hơn 200 triệu đồng. 

Các đối tượng này đã thúc ép bà N rút hết số tiền gửi tiết kiệm, chuyển vào tài khoản do chúng cung cấp để chứng minh bản thân không tham gia vào đường dây buôn bán ma tuý. Do thấy khả nghi nên cán bộ Agribank Chi nhánh huyện Tân Yên đã kịp thời phát hiện ngăn chặn, không để đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà N.

Chị Nguyễn Thị L ở tổ dân phố Cung Nhượng 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) kể lại sự việc bị đối tượng giả làm công an gọi điện đến để lừa đảo. Ảnh tư liệu

Thực tế cho thấy, nạn nhân của các vụ lừa đảo bằng thủ đoạn trên chủ yếu là phụ nữ, người già, ít cập nhật thông tin; thiếu ý thức cảnh giác với tội phạm; không có kiến thức về bảo mật thông tin cũng như hiểu biết về các hoạt động tố tụng hình sự.

Biểu hiện dễ nhận thấy của các chiêu trò lừa đảo này là các đối tượng thường yêu cầu bị hại không được thông tin về sự việc nhận được cuộc gọi cho bất kỳ ai, mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian kiểm tra thông tin hoặc khuyên can từ người thân, bạn bè. Bên cạnh đó, đối tượng gọi điện liên tục, vừa đe dọa, vừa thúc giục bị hại khẩn trương chuyển tiền cho chúng. Bởi vậy, mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết bị lừa đảo.

Thượng tá Trần Huy Việt, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao cho biết: "Theo quy định của Bộ Công an, cơ quan công an các cấp lúc đầu khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Vì thế, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại, tin nhắn.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch".

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội nhằm tránh đối tượng xấu khai thác để lừa đảo. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn, xác minh lại thông tin, đối tượng gọi đến. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

Theo Báo Bắc Giang

http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/409857/gia-danh-cong-an-goi-dien-hu-doa-lua-dao-nhung-chieu-thuc-va-cach-phong-ngua.html

  • Từ khóa

Cục Cảnh sát giao thông: Giữ nguyên phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn với tài xế

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết việc sử dụng rượu bia khi lái xe gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng và liên quan đến các hành vi khác như giết...
19:03 - 17/05/2024
287 lượt xem

Bắt nhóm 4 người vận chuyển 4kg vàng qua biên giới

Khi kiểm tra xe bán tải nhập cảnh từ Lào vào Việt Nam, lực lượng chức năng phát hiện 4 người đàn ông vận chuyển 4kg vàng nhưng không xuất trình được giấy...
13:41 - 17/05/2024
432 lượt xem

Chiếm đoạt hơn 102 tỉ đồng, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức không được giảm án

Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức luôn cúi mặt tại phiên tòa phúc thẩm, nhắc đi nhắc lại câu “ăn năn, hối hận về việc mình làm”.
13:35 - 17/05/2024
428 lượt xem

Việt Nam - Pháp chia sẻ kinh nhiệm về thu hồi tài sản tham nhũng

Ngày 15-16/5, trong khuôn khổ Kế hoạch hợp tác giai đoạn 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Pháp, Bộ Tư pháp hai nước phối hợp tổ...
11:47 - 17/05/2024
457 lượt xem

Bắt chủ thầu xây dựng trả công người lao động bằng ma túy

Chủ thầu xây dựng (quê Thái Bình) và cai thầu lao động (quê Sơn La) về Hải Phòng làm ăn đã câu kết với nhau, trả công người lao động bằng ma túy.
10:40 - 17/05/2024
510 lượt xem