Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023 đã giao nhiều nhiệm vụ cho các bộ ngành trong thời gian tới.
Bộ Tư pháp chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương không yêu cầu người dân cung cấp bản sao Căn cước công dân khi làm thủ tục liên thông Đăng ký khai sinh và các giấy tờ cần thiết khác. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, điều chỉnh và bổ sung tính năng của Hệ thống đăng ký quản lý hộ tịch điện tử theo hướng phân quyền quản trị đến cấp huyện.
Nhiệm vụ trên được Chính phủ giao Bộ Tư pháp tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7-2023, vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa qua. Ảnh: Nhật Bắc
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng giao Bộ Công an cùng các cơ quan, địa phương tổ chức triển khai nhanh, có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân để thực hiện thống nhất, đồng bộ, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển du lịch.
Đối với gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phối hợp với Bộ Xây dựng đẩy mạnh triển khai thực hiện, bảo đảm kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi; định kỳ hàng quý báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện. Bộ Xây dựng cũng được yêu cầu báo cáo hằng tháng cho Thủ tướng Chính phủ việc thực hiện mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội và giải ngân gói tín dụng này.
Ngoài ra, NHNN cần triển khai kịp thời chính sách giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ vay; chỉ đạo điều hành quyết liệt để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng cung tiền, tăng tín dụng phù hợp gắn với nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu.
Về phía Bộ Tài chính, cơ quan này được yêu cầu theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong việc thanh toán nghĩa vụ gốc, lãi đến hạn trong quý III/2023 để chủ động đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả xử lý khó khăn, vướng mắc trong trường hợp cần thiết.
Trong bối cảnh thị trường lúa gạo có diễn biến phức tạp, Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến thị trường khu vực và thế giới để kịp thời có giải pháp điều chỉnh sản xuất, điều tiết thị trường trong nước và xuất khẩu gạo phù hợp, không để xảy ra tình trạng lợi dụng đầu cơ, tăng giá bất hợp lý và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ động phương án sản xuất, vận hành hệ thống điện, bảo đảm nguồn điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 sửa đổi Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc thi công các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các dự án quan trọng quốc gia và trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng là nhiệm vụ được Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải thực hiện. Chính phủ cũng đưa ra yêu cầu phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác 3 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, cầu Mỹ Thuận 2 và dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ) trong tháng 9.
Chính phủ cũng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cho năm học mới 2023 - 2024, bảo đảm đầy đủ sách giáo khoa với giá hợp lý và tài liệu giáo dục.
Theo Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/khong-yeu-cau-nguoi-dan-nop-ban-sao-cccd-khi-dang-ky-khai-sinh-20230810112128294.htm