Tôi nghe người ta nói nhiều về nguyên tắc suy đoán vô tội, xin cho hỏi, cụ thể luật quy định như thế nào về nguyên tắc này?
Thời gian gần đây, tôi nghe nói nhiều về nguyên tắc suy đoán vô tội, vậy cụ thể luật quy định như thế nào về nguyên tắc này. Mong luật sư giải thích giúp?
Bạn đọc Trần Hoàng (TP.HCM).
Luật sư Nguyễn Minh Tâm, Đoàn luật sư TP.HCM, giải thích về nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng trong pháp luật Việt Nam hiện hành.
Xét về nguồn gốc, tinh thần của nguyên tắc này xuất hiện từ thời La Mã cổ đại và được các triều đại La Mã áp dụng trong quá trình xét xử hình sự, xác định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về bên buộc tội. Bị cáo luôn được coi là vô tội.
Ở nước ta, tinh thần của nguyên tắc suy đoán vô tội cũng được hiến định tại khoản 1, điều 31 Hiến pháp 2013: "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật" .
Luật sư Nguyễn Minh Tâm
Và lần đầu tiên Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã xác định "suy đoán vô tội" thành một nguyên tắc trong hệ thống những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự tại điều 13:
"Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội" (điều 13).
Như vậy, về bản chất, nguyên tắc suy đoán vô tội xác lập nghĩa vụ chứng minh việc phạm tội là thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, các điều tra viên, kiểm sát viên… Bị can, bị cáo có quyền chứ không có nghĩa vụ chứng minh là mình vô tội.
Vì họ không có nghĩa vụ chứng minh đó nên họ có quyền im lặng khi bị bắt, bị hỏi cung khi chưa có mặt của luật sư bào chữa cho họ.
Tinh thần cốt lõi của nguyên tắc này là: Khi tạm giữ, khởi tố điều tra, truy tố và xét xử một người bị tình nghi phạm tội, hoặc họ đã trở thành bị can, bị cáo trong vụ án hình sự thì trong tâm thức của những người tiến hành tố tụng phải coi họ là người không có tội. Người tiến hành tố tụng thực sự mong muốn họ là người không có tội, nhưng vì những chứng cứ thu thập được là những bằng chứng hoàn toàn chống lại họ, không có bất kỳ một chứng cứ nào cho thấy họ vô tội, nên buộc lòng phải kết luận và quyết định truy tố, xét xử họ về tội đã phạm.
Việc kết tội là hệ quả của các bằng chứng rõ ràng về hành vi phạm tội của họ mà không thể nào khác được.
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/the-nao-la-nguyen-tac-suy-doan-vo-toi-20230723224742461.htm