Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần VICEM Vật liệu xây dựng Đà Nẵng vừa bị bắt tạm giam. Phía công ty vừa công bố thông tin bất thường.
Công ty cổ phần VICEM Vật liệu xây dựng Đà Nẵng (mã chứng khoán: DXV) vừa công bố thông tin bất thường về Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Việt Nga.
Cụ thể, ngày 23/3, doanh nghiệp này nhận được văn bản của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam kèm theo thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Hải Dương - về việc bắt bị can để tạm giam đối với ông Nguyễn Việt Nga do vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiệm trọng (xảy ra trong thời gian ông này công tác tại Công ty Xi măng VICEM Hoàng Thạch).
Công ty cổ phần VICEM vật liệu xây dựng Đà Nẵng tiền thân là Công ty Vật tư xây dựng số 2, được thành lập theo Quyết định số 503 ngày 28/10/1975 của Bộ Xây dựng. Đơn vị này trực thuộc Bộ xây dựng, được giao nhiệm vụ cung ứng xi măng cho các tỉnh miền Trung, sản xuất vật liệu xây dựng, khảo sát và thiết kế các công trình vật liệu xây dựng, đào tạo công nhân ngành sản xuất vật liệu xây dựng cung cấp nhân lực cho công ty và miền Trung.
Năm 2006, công ty được cổ phần hóa. Đến ngày 24/01/2008, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu DXV.
Năm 2022, VICEM Vật liệu xây dựng Đà Nẵng đạt 226,1 tỷ đồng doanh thu, tăng 14,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế đạt 195,1 triệu đồng, giảm 50,3%.
Đặc biệt, doanh nghiệp có lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2022 là âm 5,83 tỷ đồng. Lý do là năm 2019, công ty này phải trích lập dự phòng nợ phải thu quá hạn, khó đòi là 6,79 tỷ đồng. Sau đó, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong 2 năm 2020-2021 do dịch Covid-19, giá cả vật tư, chi phí vận chuyển đều tăng cao, thị phần tiêu thụ xi măng bị thu hẹp. Kinh doanh thương mại bị sụt giảm dẫn đến lợi nhuận đem lại ở mức còn thấp. Từ năm 2020-2021, lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp vẫn chưa đủ lớn để bù đắp khoản lỗ lũy kế từ năm 2019.
Để khắc phục lỗ lũy kế, công ty đã đưa ra một số biện pháp như đẩy mạnh công tác tiêu thụ xi măng, gạch do bối cảnh kinh tế phục hồi, đầu tư công tăng mạnh. Ngoài ra đơn vị này cho biết sẽ tiết kiệm chi phí để giảm giá thành, tăng cường thu hồi công nợ quá hạn để giảm trích lập dự phòng khó đòi, tận thu giấy phế liệu để bán.
Ngày 25/3/2020, HoSE quyết định đưa cổ phiếu DXV vào diện cảnh báo do lợi nhuận sau thuế năm 2019 là âm 6,89 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 31/12/2019 là âm 6,2 tỷ đồng. Từ đó đến nay, cổ phiếu này vẫn bị giữ nguyên diện cảnh báo sau nhiều lần doanh nghiệp thông báo các biện pháp và lộ trình khắc phục.
Hiện cổ phiếu này được giao dịch ở mức 3.860 đồng/cổ phiếu kể từ khi lập đỉnh gần 11.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2022.
Cổ phiếu DXV giao dịch ở mức gần 4.000 đồng/cổ phiếu (Ảnh chụp màn hình).
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/kinh-doanh/chu-tich-bi-bat-tam-giam-cong-ty-xi-mang-cong-bo-thong-tin-bat-thuong-20230324184516529.htm