Với tinh thần đấu tranh quyết liệt của các cơ quan bảo vệ pháp luật trong tỉnh Bắc Giang, thời gian qua, nhiều bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai đã bị đưa ra xét xử và lĩnh án tù. Để không trở thành nạn nhân trong những vụ lừa đảo, mỗi người cần cảnh giác trước thủ đoạn tinh vi của những đối tượng xấu.
Bà X ở thôn Đồng Tiến, xã Quang Châu (Việt Yên) tá hỏa khi biết cháu ruột lừa dối mình. Chuyện bắt đầu từ cuối năm 2021, Trần Thị Xa (SN 1984, gọi bà X là cô) ở thôn Tú Điện, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh hỏi mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) của bà X thế chấp cho vợ chồng ông T ở thôn Đạo Ngạn, xã Quang Châu để vay 1,5 tỷ đồng kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là dùng trả nợ, đầu tư tiền ảo, đánh bạc.
Nghe cháu nói ngon ngọt, bà X đồng ý ký vào bản hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà không đọc kỹ nội dung. Ngoài số tiền trên, Xa tiếp tục vay 2,5 tỷ đồng của vợ chồng ông T (tổng là 4 tỷ đồng, đã trả được 1,1 tỷ đồng). Số tiền còn lại, Xa không có khả năng thanh toán khi quá thời hạn nên bị tố cáo. Tháng 12/2022, bị cáo Trần Thị Xa phải hầu tòa, chịu khung hình phạt 15 năm tù. Bà X may mắn được trả lại giấy chứng nhận QSDĐ.
Bị cáo Nguyễn Văn Tuấn tại phiên tòa.
Giống như bị cáo Xa, bị cáo Nguyễn Văn Tuấn (SN 1995) ở thôn Tiến Sơn, xã Hợp Đức (Tân Yên) cũng phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, phải chịu hình phạt 13 năm tù. Tại phiên tòa vào giữa tháng 2/2023 do TAND tỉnh tổ chức, Tuấn thành khẩn khai báo, mong nhận được khoan hồng. Tuấn vốn làm nghề môi giới bất động sản. Do cần tiền chi tiêu, trả nợ, người này đã sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra các thông tin không đúng sự thật để thực hiện ba vụ lừa đảo liên quan đến chuyển nhượng QSDĐ, chiếm đoạt của 3 bị hại với tổng số tiền 650 triệu đồng.
Chị Th (SN 1988) ở thôn Luộc Giới, xã Tân Hiệp (Yên Thế) là một bị hại trong vụ việc trên. Chị ngậm ngùi kể lại, cuối năm 2021, Tuấn đề nghị chị chuyển 100 triệu đồng qua tài khoản ngân hàng cho Tuấn để đặt cọc mua một thửa đất ở thôn 4, xã Việt Tiến (Việt Yên) cho chị Th. Thực tế, thửa đất đó của vợ chồng ông H (đã mất) không đủ điều kiện mua bán, chuyển nhượng vì chưa được sự thống nhất giữa các thành viên thuộc hàng thừa kế trong gia đình. Tuấn cũng không làm hợp đồng đặt cọc, khi chị Th thắc mắc thì Tuấn nói dối đã ký được hợp đồng đặt cọc với chủ đất, hứa hẹn sẽ làm thủ tục chuyển nhượng cho chị. Bị chị Th thúc giục, Tuấn lại lấy lý do thủ tục giấy tờ pháp lý chưa hoàn tất. Trong thời gian dài, chị Th cho Tuấn cơ hội hoàn trả lại tiền nhưng Tuấn không làm được nên chị đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Đó là hai vụ việc đã được tòa án giải quyết. Thống kê từ đầu năm 2022 đến nay, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã khởi tố 101 vụ với 115 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, nhiều vụ việc xuất hiện thủ đoạn phạm tội liên quan đến đất đai. Qua nắm bắt thực tế, nhiều trường hợp “tiền mất tật mang” nhưng vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" vì đối tượng lừa đảo bỏ trốn; không đủ căn cứ, tài liệu để xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.
Từ thực tế xét xử, ông Nguyễn Hải Vinh, Chánh tòa Hình sự (TAND tỉnh) cho biết thêm, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng nói dối mất giấy chứng nhận QSDĐ để xin cấp lại hoặc làm giả, công chứng rồi bán thửa đất cho người khác; rao bán đất dự án khi chưa có giấy chứng nhận QSDĐ. Một số văn phòng công chứng không phát hiện ra sổ đỏ, sổ hồng giả, vô tình tiếp tay cho tội phạm. Mặt khác, một bộ phận người dân chủ quan, cả tin, nhận thức pháp luật về đất đai còn hạn chế. Đơn cử như dễ dàng cho người khác mượn giấy chứng nhận QSDĐ; mua đất hoặc đặt cọc nhưng không xác định rõ tình trạng thửa đất đó; có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng nhưng không trực tiếp hoàn tất các thủ tục, giấy tờ theo đúng quy định mà nhờ người khác đứng ra làm giúp, hậu quả bị kẻ xấu sử dụng giấy tờ đó bán mất tài sản của mình.
Để đấu tranh phòng ngừa loại tội phạm này, các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật về đất đai; thông tin sâu rộng thủ đoạn phạm tội và cách phòng tránh. Mỗi người dân cần sáng suốt khi thực hiện các giao dịch về đất đai. Cơ quan chức năng tăng cường nắm bắt, điều tra, xử lý nghiêm nhằm giáo dục riêng, phòng ngừa chung. Liên quan đến vấn đề công chứng, ông Nghiêm Việt Thế, Chủ tịch Hội Công chứng viên tỉnh cho biết: “Bám sát hướng dẫn của Sở Tư pháp, chúng tôi đề nghị các công chứng viên ở tất cả văn phòng công chứng trên địa bàn tuân thủ các nguyên tắc hành nghề, đạo đức nghề nghiệp; kiểm soát chặt chẽ giấy tờ, hồ sơ, tài liệu (nhất là giấy tờ liên quan đến đất đai) khi giải quyết yêu cầu công chứng. Khi phát hiện giấy tờ giả phải nhanh chóng báo cáo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định”.
Theo Báo Bắc Giang
http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/401009/ba-c-giang-ngan-ngua-cac-vu-lua-dao-lien-quan-den-dat-dai.html