Sau khi tách ra khỏi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, nữ doanh nhân Hoàng Thị Thúy Nga thành lập "đế chế" NSJ trong các lĩnh vực giống như AIC.
Chủ tịch Công ty NSJ Hoàng Thị Thúy Nga - Ảnh: H.HẠNH
Đến các thủ đoạn móc ngoặc với quan chức địa phương để thông thầu, nâng khống giá thiết bị hưởng lợi rồi chi hoa hồng ngược lại cho quan chức của Nga cũng giống Nhàn AIC.
Kết luận điều tra vụ án nâng khống giá thiết bị giáo dục vừa được cơ quan điều tra ban hành cùng với những vụ án liên quan đến Hoàng Thị Thúy Nga đã bị đưa ra xét xử trước đó, cho thấy sở dĩ "đế chế" do Nga điều hành có thể "vươn vòi" đến khắp các tỉnh thành để thâu tóm các gói thầu từ thiết bị y tế đến thiết bị giáo dục là do có sự móc ngoặc, bắt tay với quan chức của địa phương.
Móc ngoặc với cựu giám đốc sở "vẽ" dự án
Theo kết luận điều tra, Hoàng Thị Thúy Nga đã tạo dựng quan hệ với Vũ Liên Oanh - khi đương chức giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ninh. Nga nhiều lần gặp để bàn bạc, thông đồng với bà Oanh từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư dự án đến lập dự toán, thẩm định giá để NSJ và các công ty "quân xanh" được trúng thầu.
Sau khi nắm được nhu cầu về dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục do Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh làm chủ đầu tư, Hoàng Thị Thúy Nga trực tiếp gặp Vũ Liên Oanh để trao đổi, giới thiệu Công ty NSJ là đơn vị kinh doanh chuyên cung cấp các trang thiết bị giáo dục, đồ dùng đồ chơi thông minh... nhập khẩu từ nước ngoài.
Nga đề xuất với giám đốc sở việc muốn được đầu tư, cung cấp cho các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nữ giám đốc sở ngay lập tức gật đầu đồng ý và bắt tay với chủ tịch NSJ. Những cuộc gặp này đã "mở đường" cho các cuộc thông thầu, thâu tóm dự án cung cấp thiết bị giáo dục trong suốt bốn năm từ 2016 - 2019.
Đáng nói, việc thông thầu của Nga và Oanh được lên "kịch bản" khá hoàn hảo, đầy đủ các bước nhằm tránh bị phát hiện. Ban đầu, Công ty NSJ tổ chức tặng thí điểm các thiết bị, đồ dùng đồ chơi cho một số trường học tại tỉnh Quảng Ninh. Tuy nhiên, trong những lần "tặng" thiết bị này Nga đều đưa kèm theo mức giá bán và bảng giá này đã được tính toán nâng khống lên nhiều lần.
Sau đó, Oanh và Nga đã bàn bạc, thống nhất về việc sở cử cán bộ phối họp với nhân viên NSJ thực hiện lập các dự án mua sắm thiết bị giáo dục, hoàn thiện các thủ tục dự án, đấu thầu trình UBND và các sở, ban, ngành của tỉnh phê duyệt. Hai bên bàn bạc thống nhất số lượng trường, lớp, danh mục, số lượng hàng hóa thiết bị cần đầu tư, giá thành.
Để tránh bị phát hiện việc Công ty NSJ vừa là đơn vị tư vấn lập dự án vừa tham gia đấu thầu mua sắm sau này, Nga lập Công ty Vnnew nhờ người đứng tên rồi sử dụng pháp nhân đơn vị này ký hợp thức thủ tục đơn vị lập dự án.
Ngoài ra, NSJ còn lập, cung cấp các báo giá khống cho chủ đầu tư và các sở ngành làm căn cứ đề xuất chủ trương đầu tư dự án, thẩm định giá, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu. Do các thiết bị giáo dục được nhập từ nước ngoài, vận chuyển bằng đường biển phải mất nhiều thời gian, nên khi chưa tổ chức đấu thầu Nga đã chỉ đạo nhân viên ký hợp đồng với các hãng nước ngoài nhập thiết bị.
Bà Vũ Liên Oanh - cựu giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh - Ảnh: Sở Giáo dục Quảng Ninh
Nâng khống giá từ nước ngoài, nhập về lại "thổi giá" tiếp
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03) xác định cựu giám đốc sở Vũ Liên Oanh và cựu chủ tịch NSJ Hoàng Thị Thúy Nga có vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án thông thầu, nâng khống giá thiết bị giáo dục tại Quảng Ninh.
Từ năm 2016 - 2019, Sở GD-ĐT Quảng Ninh là chủ đầu tư sáu dự án mua sắm trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học do bà Oanh làm đại diện chủ đầu tư. Với sự giúp sức, thông đồng của bà Oanh và nhiều cán bộ sở, các công ty của bà Nga sau đó trúng sáu gói thầu trị giá hơn 636 tỉ đồng.
Thiết bị giáo dục trong các gói thầu cung cấp cho Quảng Ninh, theo chỉ đạo của Nga, đều được NSJ nhập khẩu trước khi chủ đầu tư tổ chức đấu thầu. Việc này bị C03 cáo buộc là "để tạo lợi thế cạnh tranh và độc quyền hàng hóa".
Theo kết luận, để chiếm đoạt tiền của Nhà nước và che giấu lợi nhuận thực tế, bà Nga dùng thủ đoạn nâng giá thiết bị từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, bằng việc ký hợp đồng với các công ty trung gian để nâng khống giá thay vì ký trực tiếp với hãng sản xuất. Hàng hóa sau khi được nhập về tiếp tục được mua bán qua lại giữa các công ty do bà Nga chi phối, nhằm mục đích nâng giá thêm một lần nữa trước khi đưa vào các gói thầu.
Từ các chiêu trò trên, giá thiết bị khi đưa vào các gói thầu cung cấp cho địa phương sẽ bị "thổi giá" lên gấp 1,4 - 3 lần so với giá nhập, tùy thuộc hàng nội địa hay quốc tế. Tại Quảng Ninh, công ty của Hoàng Thị Thúy Nga đã trúng sáu gói thầu cung cấp thiết bị giáo dục trị giá hơn 636 tỉ đồng, chỉ tính riêng hai gói thầu của năm 2019 gây thiệt hại hơn 80 tỉ đồng.
6 lần "lại quả" hàng chục tỉ tại sở C03 cáo buộc với vai trò là chủ đầu tư, được giao quản lý tài sản nhà nước, nhưng bà Oanh đã chủ mưu, cầm đầu cùng với Nga thực hiện hành vi phạm tội. Bà Oanh tạo điều kiện cho NSJ tự lập sáu dự án, trúng thầu. Vụ án đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 80 tỉ đồng. Hoàng Thị Thúy Nga đã nhiều lần chi tiền "lại quả" cảm ơn cựu giám đốc sở. Tổng số tiền bà Oanh đã nhận từ Nga là 14 tỉ trong bốn năm liên tiếp. Trong đó có ba lần việc đưa tiền diễn ra tại phòng làm việc của bà Oanh tại sở, lần ít thì 1 tỉ, lần nhiều nhất là 5 tỉ đồng. Thuộc cấp của bà Oanh là Ngô Vui, cựu trưởng phòng kế hoạch tài chính của sở, cũng nhiều lần được Nga chi tiền "lại quả". Giống như giám đốc của mình, Vui cũng có ba lần ngang nhiên nhận tiền ngay tại phòng làm việc trong sở. Tổng số tiền Vui được "lại quả" là 14,8 tỉ đồng. |
Gỡ nút thắt từ chiếc USB Theo C03, từ khi nhập khẩu hàng hóa, bà Nga đã lựa chọn hàng hóa độc quyền để đối phó sau này. Tại thời điểm định giá trên thị trường không có các sản phẩm thiết bị tương tự như trong gói thầu nên không thể thực hiện việc định giá bằng phương pháp so sánh. Hơn nữa, các chứng cứ, tài liệu đã bị bà Nga chỉ đạo tiêu hủy trước đó. C03 xác định thiệt hại trong các gói thầu là phần chênh lệch giá giữa giá trị khai báo tại hải quan Việt Nam và giá mua trực tiếp từ các hãng sản xuất. Cơ quan điều tra quyết định yêu cầu định giá tài sản. Tuy nhiên, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự tỉnh Quảng Ninh cho biết không thể kết luận về giá trị của tài sản cần định giá ở cả sáu gói thầu, bởi các tài liệu thu thập không đủ cơ sở pháp lý. Không những thế, Hoàng Thị Thúy Nga đã chỉ đạo nhân viên tiêu hủy tài liệu, chứng cứ. Do vậy, cơ quan chức năng không thu thập được thông tin liên quan đến chi phí của NSJ và Công ty MQF, nên không có căn cứ để định giá bằng phương pháp chi phí. Tuy nhiên, diễn biến điều tra các bước tiến mới khi Ngô Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Công ty MQF, đưa ra lời khai có giá trị khi cho biết thời gian còn làm việc ở công ty đã sao lưu một số dữ liệu vào USB, trong đó phản ánh được giá gốc của các thiết bị giáo dục nhập khẩu. C03 đã thu thập được chiếc USB từ em trai bị can Hùng. Dữ liệu trích xuất thể hiện các thông tin về giá mua trực tiếp từ các hãng sản xuất năm 2019 và 2020, có liên quan đến dự án cung cấp thiết bị giáo dục cho gói thầu tiểu học năm 2019 tại Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ninh. C03 cũng thu thập được tờ khai hải quan đối với một số hàng hóa cùng chủng loại với hàng hóa cung cấp cho các dự án do Công ty MQF, Công ty NSJ nhập khẩu; hợp đồng ký giữa Công ty NSJ, Công ty MQF hoặc công ty trung gian ký với các hãng sản xuất... Lời khai và tài liệu mà Hùng giao nộp được đánh giá là tài liệu có giá trị giúp cơ quan điều tra chứng minh, làm sáng tỏ bản chất vụ án nên được C03 đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. |
Theo Tuổi trẻ
https://tuoitre.vn/vu-thau-tom-cac-goi-thau-thiet-bi-giao-duc-tai-quang-ninh-thong-thau-tu-trong-trung-nuoc-20230227084436724.htm