Theo các Luật sư, đối với vụ án AIC, trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã thì luật sư của bị cáo không thể thay bị cáo kháng cáo được.
Như đã đưa tin, trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan, có 17/36 bị cáo đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm của TAND TP Hà Nội.
Đáng chú ý hơn cả là việc bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch Công ty AIC mặc dù đang bỏ trốn nhưng vẫn được luật sư "kháng cáo thay". Điều này khiến nhiều người băn khoăn, pháp luật quy định thế nào về kháng cáo thay? Thủ tục và đối tượng được kháng cáo thay ra sao?
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng Đội cho biết, theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, những chủ thể có quyền kháng cáo bản án hình sự sơ thẩm gồm: Bị cáo, bị hại, người đại diện của bị cáo, bị hại; Người bào chữa có quyền kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa…
Mặt khác, về quyền và nghĩa vụ của người bào chữa, Điều 73 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định rõ, người bào chữa ngoài các quyền và nghĩa vụ như: Gặp, hỏi người bị buộc tội; có mặt khi lấy lời khai của người bị bắt, bị tạm giữ, khi hỏi cung bị can; trong hoạt động đối chất, đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng,... họ chỉ có quyền khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của Bộ luật này.
Từ những quy định trên có thể thấy, luật sư với vai trò là người bào chữa thì chỉ có thể kháng cáo để bảo vệ lợi ích của người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất mà mình bào chữa.
Đây là những trường hợp bị cáo là những đối tượng chưa nắm rõ các quy định về pháp luật nên khó có thể biết được những sai sót, những điểm không hợp lý trong bản án đã được hội đồng xét xử tuyên án.
Theo luật sư Tiền, đối với vụ án AIC, trường hợp bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang trốn truy nã thì luật sư của bị cáo không thể thay bị cáo kháng cáo được. Việc chấp nhận đơn kháng cáo, xem xét nội dung kháng cáo và áp dụng quy định của pháp luật thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm.
Có hơn 30 luật sư bào chữa cho các bị cáo trong vụ AIC, trong đó bà Nhàn có 2 luật sư bào chữa (Ảnh: Hải Nam).
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng cần sớm có các văn bản hướng dẫn để các tòa thống nhất cách giải quyết và người dân có thể thực hiện được quyền kháng cáo của mình.
Đồng quan điểm, luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, trường hợp của bị cáo Nhàn theo quy định hiện hành thì luật sư không có quyền kháng cáo. Điều này được quy định rõ tại Điểm o, khoản 1 Điều 73, Quyền và nghĩa vụ của người bào chữa của Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể, luật sư chỉ có quyền kháng cáo với trường hợp: Kháng cáo bản án, quyết định của tòa án nếu bị cáo là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất theo quy định của bộ luật này.
Theo Dân trí
https://dantri.com.vn/ban-doc/vu-aic-khong-quy-dinh-nao-cho-phep-luat-su-khang-cao-thay-nguoi-bi-truy-na-20230131191554136.htm