VKSND TP HCM cho rằng khi các bị cáo không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật dẫn đến thất thoát tài sản của nhà nước thì phải liên đới chịu trách nhiệm.
Sáng 17-10, TAND TP HCM tiếp tục phiên xét xử 10 bị cáo là các cán bộ từng làm việc tại Thành ủy TP HCM, Văn phòng Thành ủy TP HCM, Công ty Tân Thuận trong vụ bán rẻ 2 dự án KDC Phước Kiển và KDC Ven Sông cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 735 tỉ đồng. Đây là ngày thứ 6 của phiên xét xử.
VKSND TP HCM khẳng định việc truy tố bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) và Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM) tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" là hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định.
Đối với bị cáo Tất Thành Cang, bị cáo đã thừa nhận trách nhiệm trong việc để xảy ra hậu quả của vụ án, VKS đề nghị HĐXX ghi nhận tình tiết bị cáo ăn năn, hối cải, thành khẩn khai báo.
Đối đáp với luật sư bị cáo Phan Thanh Tân (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM), VKS khẳng định bị cáo này phải chịu trách nhiệm với toàn bộ dự án KDC Ven Sông (chứ không phải 10% dự án).
Bị cáo Phạm Văn Thông (cựu Phó Chánh văn phòng Thành ủy TP HCM) cho rằng hành vi của các bị cáo không phạm tội "Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí" mà phạm tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" bởi các bị cáo không cố ý cho chủ trương chuyển nhượng vụ án, nếu có cũng là lỗi vô ý. Về điều này, VKS cho rằng không phù hợp với diễn biến vụ sự thật khách quan của vụ án.
Đối với quan điểm bào chữa của bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Tân Thuận) và Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận) rằng tài sản của tổ chức chính trị, không phải tài sản Nhà nước... VKS khẳng định quan điểm này không đúng.
Theo VKS, Công ty Tân Thuận (được sáp nhập từ 2 công ty có nguồn vốn Nhà nước) là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, thuộc sở hữu của Văn phòng Thành ủy TP HCM nên ngoài Luật Doanh nghiệp còn phải được quản lý, hoạt động theo Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, Nghị định 91 của Chính phủ, Luật Giá…
Các bị cáo tại phiên xét xử.
VKS xác định việc Công ty Tân Thuận ký hợp đồng hợp tác với Công ty Quốc Cường Gia Lai về hình thức là đầu tư ra ngoài doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả điều tra, thẩm vấn tại phiên tòa xác định bản chất của việc góp vốn đầu tư này là chuyển nhượng toàn bộ dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của doanh nghiệp Nhà nước. Theo quy định của pháp luật, việc chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Thuận phải thực hiện đấu giá công khai.
Ở vụ án này, tài sản Nhà nước không bị chiếm đoạt mà bị thất thoát. Hành vi phạm tội của các bị cáo liên tục, kéo dài. Tài sản Nhà nước vẫn bị thất thoát cho đến thời điểm hủy bỏ hợp đồng ở dự án KDC Phước Kiển. Còn ở dự án Ven Sông, tội phạm chỉ dừng lại khi vụ án bị khởi tố, tuy nhiên tài sản ở vụ án này không thu hồi được. VKS xác định việc Nhà nước thoát li khỏi sự quản lý đối với tài sản thì hành vi đã hoàn thành.
Các hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả làm thất thoát tài sản của Nhà nước tại dự án Phước Kiển là 202,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, do hợp đồng giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai đã hủy bỏ, Công ty Tân Thuận đã thu hồi được toàn bộ dự án. Đối với số tiền lãi mà Công ty Tân Thuận đã trả cho Quốc Cường Gia Lai gây thiệt hại cho tài sản Nhà nước, VKS đề nghị HĐXX thu lại 16 tỉ đồng mà Công ty Quốc Cường Gia Lai đã tạm gửi vào tài khoản của Cơ quan điều tra. Do vậy, toàn bộ thất thoát, thiệt hại tại dự án này đã được khắc phục hoàn toàn.
Với nhận định như trên, VKS đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho các bị cáo liên quan sai phạm tại dự án này.
Đối với quan điểm xác định chủ mưu vụ án là Trần Công Thiện, VKS cho rằng việc xác định này căn cứ vào chuỗi hành vi bị cáo thực hiện, vai trò của bị cáo và nội dung các tờ trình mà bị cáo đã xin ý kiến chủ sở hữu. VKS nhận định bị cáo Thiện có vai trò, nhiệm vụ, tính chất quyết định xuyên suốt trong vụ án.
"Dù với lý do gì, khi thực hiện nhiệm vụ với vai trò cụ thể của mình mà các bị cáo không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật dẫn đến gây hậu quả thất thoát tài sản của nhà nước thì phải liên đới chịu trách nhiệm" - VKSND TP HCM nêu.
Theo Trần Thái/ Người lao động
https://nld.com.vn/phap-luat/vu-ban-re-2-du-an-cho-cong-ty-quoc-cuong-gia-lai-vksnd-tp-hcm-neu-ro-quan-diem-20221017104921758.htm