Kho học liệu 'khổng lồ' được Đại học Sư phạm Hà Nội hỗ trợ miễn phí cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham khảo trong thời gian các trường trên cả nước tạm nghỉ.
Trong thời gian học sinh phổ thông tạm nghỉ học do Covid-19, nhiều địa phương khẩn trương xây dựng và phát sóng chương trình học các môn với học sinh lớp 9 và lớp 12 qua các kênh phát thanh - truyền hình.
Từ thực tế này, ngày 13/3 Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có công văn yêu cầu các Sở tiếp tục tăng cường hình thức dạy học qua Internet, truyền hình.
Bộ lưu ý các địa phương khi tổ chức học trực tuyến, dạy qua truyền hình cần lựa chọn đội ngũ giáo viên và khung giờ phát sóng bảo đảm chất lượng, phù hợp với học sinh, đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Bộ GD&ĐT đồng ý cho các trường thừa kế nội dung bài học qua Internet, truyền hình.
Với địa phương chưa hoặc khó khăn trong triển khai phương thức này, có thể chủ động liên hệ với các địa phương khác để tham khảo, sử dụng hoặc tiếp sóng cho học sinh tại địa phương học tập.
Song song với dạy học qua truyền hình, nhà trường phân công giáo viên giao bài tập theo nội dung bài giảng trong các buổi học trực tuyến. Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp quản lý hoạt động học, nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh
Sau khi học sinh đi học trở lại, Bộ đề nghị địa phương chỉ đạo các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến. Từ đó, hướng dẫn giáo viên tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung kiến thức đã học qua Internet, trên truyền hình. Điều này nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định.
Về nội dung bài giảng qua internet, truyền hình, Bộ yêu cầu địa phương, cơ sở giáo dục cần tham khảo, sử dụng các nguồn học liệu tin cậy, chuẩn xác để tổ chức dạy học và hướng dẫn học sinh học tập.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, trường đã xây dựng kho học liệu học trực tuyến với các bài giảng do giảng viên của Trường biên soạn, bám sát theo chương trình của GD&ĐT.
Đặc biệt, hệ thống có các công cụ quản lý lớp học, cho phép giáo viên và nhà trường có thể dạy học trực tuyến, theo dõi, thống kê tiến trình học tập của các lớp và từng học sinh cụ thể. Tất cả các nội dung và chức năng sẽ được mở miễn phí trong suốt thời gian học sinh học tập tại nhà để phòng chống dịch Covid-19.
Kho học liệu của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Điều quan trọng của dạy học qua mạng là phải chuẩn bị được các học liệu tương tác chất lượng như video có thể tương tác, bài tập và bài kiểm tra có thể chấm tự động được qua máy tính… Giáo viên sẽ giảm được gánh nặng chấm bài, đánh giá, theo dõi quá trình học tập của học sinh.
Công cụ trực tuyến này có sẵn các nguồn học liệu chính xác, phong phú, tương tác đa chiều. Nội dung kiến thức do giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn, bám sát chương trình của Bộ GD&ĐT ban hành. Ngoài ra, giáo viên có thể dễ dàng đăng tải lên hệ thống những học liệu của mình để sử dụng dạy cho học sinh.
PGS.TS Phạm Thọ Hoàn, Giám đốc Trung tâm Khoa học tính toán, Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện kho dữ liệu đang có khoảng 500 video bài giảng tương tác và 10.000 bài tập tương tác, tất cả học sinh ở mọi cấp học, giáo viên, nhà trường và cả phụ huynh học sinh đều có thể sử dụng dễ dàng kho học liệu này.
Về mặt nội dung kiến thức của mỗi bài giảng được chính các giảng viên/ giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thẩm định. Mỗi bài học đều có hệ thống các câu hỏi ở 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ mở miễn phí tất cả các nội dung và chức năng trong suốt thời gian học sinh học tập tại nhà để phòng chống dịch Covid-19 nhằm bảo đảm việc dạy và học tại các trường không bị gián đoạn.
Theo VTC News
https://vtc.vn/tin-tuc-su-kien/giao-vien-hoc-sinh-khong-lo-thieu-tai-lieu-on-tap-trong-ky-nghi-vi-covid-19-ar533267.html