11
/
87706
Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Có nên bỏ môn thi thứ 4?
tuyen-sinh-lop-10-ha-noi-co-nen-bo-mon-thi-thu-4
news

Tuyển sinh lớp 10 Hà Nội: Có nên bỏ môn thi thứ 4?

Thứ 2, 09/03/2020 | 13:20:08
837 lượt xem

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang đến gần, trong khi thời điểm này vẫn chưa công bố môn thi thứ 4. Phụ huynh lo lắng trong khi một số giáo viên cho rằng có thể bỏ môn thi này để học sinh bớt áp lực.

Học sinh dự thi tuyển lớp 10 năm 2019-2020 của Hà Nội. Ảnh: Như ÝHọc sinh dự thi tuyển lớp 10 năm 2019-2020 của Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Năm nay, Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng hơn năm ngoái gần 7.000 học sinh). Tuy nhiên, theo kế hoạch của UBND TP phê duyệt, sẽ chỉ có 62% em trong số này đỗ suất học trường công. Số còn lại, các em sẽ phải chọn phương án học nghề, ngoài công lập, học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên…Vì thế, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nào ở Thủ đô cũng nóng, áp lực với học sinh, phụ huynh hơn cả thi THPT quốc gia.

Năm nay, dù dịch bệnh phát sinh nhưng đến thời điểm này, Hà Nội vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh gồm 4 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4. Như năm ngoái, tháng 3, Sở GD&ĐT đã công bố môn thi thứ 4 để học sinh ôn tập tuy nhiên, năm nay thời điểm này, học sinh THPT vẫn chỉ được thông báo nghỉ vì dịch Covid-19 tới 15/3.

Theo kế hoạch trước đó, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố sẽ lựa chọn ngẫu nhiên môn thi thứ 4 là một trong các môn: Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Giáo dục công dân hoặc Địa lý và như điều chỉnh lịch thi tuyển vào lớp 10 khi học sinh trở lại trường học.

Chị Trần Thị Phương Hoa có con học lớp 9, Trường THCS Đống Đa, quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, cả gia đình đều vô cùng lo lắng, sốt ruột khi kỳ thi càng tới gần mà chưa biết thời điểm quay lại trường học. “Từ hôm nghỉ, thầy cô giáo thường xuyên giao bài tập các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ cho các con nhưng vẫn chỉ ôn đi ôn lại bài cũ. Nghỉ học, các con không được đi học thêm ở nhà thầy cô, không có giáo viên hướng dẫn trực tiếp nên con có tâm lý chán nản”, chị Hoa nói.

Trên các diễn đàn cha mẹ học sinh, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ sự lo lắng khi trước mắt Hà Nội vẫn chưa điều chỉnh lịch thi, môn thi thứ 4 chưa công bố trong khi các em vẫn nghỉ học kéo dài. Một số phụ huynh còn cho biết, ngoài lo lắng vì tránh dịch, họ “mất ăn, mất ngủ” vì con lười học,  “bình chân như vại” và nếu trượt trường công, họ không biết xoay xở ra sao.

Nên giảm áp lực thi cử

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2019-2020, Hà Nội bắt đầu áp dụng phương thức thi tuyển 4 bài thi thay vì trước đó chỉ thi 2 môn Ngữ văn và Toán. Lãnh đạo Sở GD&ĐT cho rằng, phương thức thi tuyển 4 môn sẽ tiệm cận kỳ thi THPT quốc gia cũng như giúp học sinh không học lệch. Năm đầu tiên, Hà Nội chọn môn Lịch sử làm môn thi thứ 4 với kiến thức chỉ nằm ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp. Vì thế, đề thi không quá khó so với học sinh.

Tuy nhiên, năm nay dịch bệnh bất khả kháng, học sinh THCS nghỉ học đến thời điểm thông báo đi học trở lại là 1,5 tháng, vì thế chia sẻ với phóng viên, một số giáo viên các trường THCS cho rằng, Hà Nội nên bỏ môn thi thứ 4 để học sinh đỡ áp lực.

Bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho rằng, từ thời điểm học sinh nghỉ học phòng chống dịch bệnh đến nay giáo viên luôn theo sát để dạy học, giao bài trực tuyến. Tuy nhiên, giải pháp này không đem lại hiệu quả vì giáo viên báo cáo gặp khó khăn trong chữa bài, chấm bài. “Dạy trực tiếp, cô trò tương tác, giáo viên đốc thúc, động viên…mới giúp học sinh học tốt. Còn học trên mạng, đa số học sinh chưa ý thức tự học và đưa ra nhiều lý do…”, cô Hồng nói.

Vì thế, cô Hồng cho rằng, Sở GD&ĐT Hà Nội nên công bố môn thi thứ 4 sớm để nhà trường có kế hoạch ôn tập, thậm chí nếu bỏ được môn thi này sẽ đỡ áp lực cho học sinh. Nhiều phụ huynh trao đổi với giáo viên là họ lo lắng khi kỳ thi đến gần nhưng các con bị gián đoạn kế hoạch học tập như hiện nay.

Đồng quan điểm, PGS.TS Đặng Quốc Thống, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cũng cho rằng, năm nay, tình hình dịch bệnh bất khả kháng, học sinh nghỉ học quá dài do đó tốt nhất nên bỏ môn thi thứ 4. “Nếu không, Hà Nội nên công bố sớm môn thi này để nhà trường có kế hoạch ôn tập cho học sinh, tránh tình trạng các em lo lắng, căng thẳng”, ông Thống nói.

Cũng theo ông Thống, từ khi học sinh nghỉ học, nhà trường trả thêm lương cho giáo viên lớp 9 để họ dạy học tăng cường, sát sao hơn với các em. Giáo viên được giao lên kế hoạch ôn tập kỹ nội dung, chương trình học kỳ I để đến khi học sinh đi học trở lại sẽ dành toàn bộ thời gian học chương trình học kỳ II và ôn tập phần đó. Tuy nhiên, ông Thống cũng đánh giá, số học sinh tự giác, chịu khó học trực tuyến không nhiều, đa số các em vẫn chưa chăm chỉ, do đó hiệu quả không cao. Vì thế, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. “Trong bối cảnh này, phụ huynh, học sinh xác định đều khó khăn chung vì thế, học sinh nào chịu khó, chăm chỉ ôn tập, lên mạng tìm tài liệu tự học sẽ đạt kết quả tốt”, ông Thống nói.

Trong khi đó, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ - ông Lê Hồng Vũ cho rằng, thời điểm này năm trước, các trường đã dạy học được nửa học kỳ II, trong khi năm nay vẫn chưa bắt đầu. Tuy nhiên, khung thời gian năm học đã được điều chỉnh nên dù có nghỉ học hết tháng 3/2020 sẽ vẫn đủ thời gian hoàn thành chương trình.

Ông Vũ cũng cho rằng, việc thi 4 bài thi sẽ làm cho học sinh học tập toàn diện, thực chất hơn. Tỷ lệ tuyển sinh lên lớp 10 các trường công lập vẫn giữ 62%, không thay đổi, vì thế theo ông Vũ, Hà Nội không cần thiết phải bỏ môn thi thứ 4. 

Giám đốc Sở GD&ĐT Chử Xuân Dũng cho biết, sẽ triển khai dạy học trên truyền hình cho đối tượng học sinh lớp 9 và lớp 12 từ hôm nay (ngày 9/3). “Theo đó, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ phối hợp Đài truyền hình Hà Nội xây dựng kế hoạch dạy học qua truyền hình với nội dung ôn tập kiến thức cũ và dạy thêm kiến thức mới”, ông Dũng nói.

Theo Hà Linh/Tiền phong

https://www.tienphong.vn/giao-duc/tuyen-sinh-lop-10-ha-noi-co-nen-bo-mon-thi-thu-4-1617890.tpo

  • Từ khóa

Trường đại học Y Hà Nội dự kiến mở ngành công tác xã hội

Năm 2025, Trường đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới, gồm ngành công tác xã hội và ngành kỹ thuật hình ảnh y học.
10:47 - 13/01/2025
97 lượt xem

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam

Các chính sách mới đây của Đảng và Nhà nước về giáo dục ĐH và khoa học công nghệ đã thu hút sự quan tâm của các kênh truyền thông quốc tế, được đánh giá...
09:48 - 13/01/2025
113 lượt xem

Liên thông trong đào tạo: Tuyển sinh thế nào?

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức...
07:41 - 13/01/2025
189 lượt xem

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ...
13:16 - 12/01/2025
626 lượt xem

Quản lý dạy thêm, phải trị bệnh tại căn

Thông tư số 29/2024 tập trung các biện pháp hành chính như kiểm soát số lượng giờ dạy thêm, yêu cầu giáo viên đăng ký lớp học thêm với cơ quan chức năng,...
09:21 - 12/01/2025
737 lượt xem