Cho đến giờ, ngành Toán học Việt Nam mới chỉ có 2 nữ Giáo sư là GS. Hoàng Xuân Sính và GS. Lê Thị Thanh Nhàn.
Quyết định số 131-CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng kí ngày 29/4/1980 đã công nhận chức vụ khoa học giáo sư cho 83 cán bộ và phó giáo sư cho 347 cán bộ làm công tác giảng dạy đại học và nghiên cứu khoa học. Trong đó có nữ giáo sư toán học đầu tiên của Việt Nam. Đó là GS. Hoàng Xuân Sính ở lĩnh vực Toán Đại số.
GS. Hoàng Xuân Sính là vừa là nữ tiến sĩ vừa là nữ giáo sư toán học đầu tiên ở Việt Nam.
GS. Hoàng Xuân Sính
Phải mất đến 35 năm sau (năm 2015) mới có nữ giáo sư toán học thứ hai (là GS Lê Thị Thanh Nhàn, Đại học Thái Nguyên và hiện GS. Nhàn đang công tác tại Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD&ĐT).
GS. Hoàng Xuân Sính sinh ra ở làng Cót, Từ Liêm, Hà Nội năm 1933.
Năm 1951, sau khi tốt nghiệp bằng tú tài 1 ở Hà Nội ban Sinh ngữ, tiếng Anh và Pháp, bà Hoàng Xuân Sính sang Pháp lấy bằng tú tài 2 về chuyên ngành toán học.
Lúc đó, bà chọn khoa Toán chứ không phải là một ngành nào khác, bởi theo sự lựa chọn của gia đình, cả cha và mẹ cô đều khuyên răn các con rằng để xây dựng đất nước học giỏi môn khoa học là thực sự rất cần thiết. Và, đơn giản, bà thấy trong các môn học thì toán là học dễ nhất.
Về nước, bà được phân công dạy toán tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
Trong thời gian đi sơ tán, bà vừa dạy học vừa làm luận án tiến sĩ. Bà được Nhà nước cho phép mang bản luận án ấy sang Paris bảo vệ để lấy bằng tiến sĩ quốc gia.
Cuộc bảo vệ diễn ra tại Đại học Paris 7, thuộc hệ thống Sorbonne. Hội đồng chấm luận án gồm những nhà toán học nổi tiếng như GS Henri Cartan, Huy chương Fields, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp; GS Alexandre Grothendieck, Huy chương Fields...
Lúc đó, GS. Hoàng Xuân Sính bảo vệ bản luận án thứ nhất trong hai tiếng rưỡi đồng hồ, bản luận án mà bà đã viết trong nhiều năm sơ tán tại một làng quê bên dòng sông Đáy.
Nhưng ngay sau đó, bà bảo vệ tiếp bản luận án thứ hai "Cái nhúng của một phức một thứ nguyên vào một đa tạp vi phân hai thứ nguyên".
Bản luận án thứ hai này bà thực hiện tại Paris, chỉ trong vòng hai tháng, do Hội đồng Toán học nơi bà dự thi, ra đề cho chị để... “thử tài”! Cả hai bản luận án ấy đều nhằm giải quyết những vấn đề toán học hiện đại.
GS. Hoàng Xuân Sính là người phụ nữ nước ngoài đầu tiên đến Paris bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc gia về toán học.
Ngoài giảng dạy Toán Đại số ở trường ĐH Sư phạm và biên soạn giáo trình đại học, sách giáo khoa Toán học phổ thông, GS Hoàng Xuân Sính từng là chủ nhiệm bộ môn đại số rồi làm trưởng khoa Toán-Tin học tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bà là một trong những người sáng lập ra trường Đại học Thăng Long, trường đại học Tư thục đầu tiên ở Việt Nam (1988). Bà là thành viên Hội đồng xét tặng Giải thưởng khoa học Kovalevskaya ở Việt Nam.
Nhiều lần bà được giao trọng trách là Trưởng Đoàn học sinh Việt Nam đi dự Olympic Toán Quốc tế. Bà cũng dành thời gian tham gia nhiều hoạt động xã hội đa dạng như Phó Chủ tịch Đoàn chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa VI (2004), Ủy viên Hội đồng chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia, Ủy viên Hồi đồng Từ điển Bách khoa Việt Nam.
Sau nữ GS ngành Toán học Hoàng Xuân Sính, đến năm 2015 này, Việt Nam mới có nữ giáo sư toán học thứ hai là Lê Thị Thanh Nhàn.
GS. Lê Thị Thanh Nhàn.
GS. Lê Thị Thanh Nhàn sinh năm 1970 tại Khánh Hoà - Thái Nguyên, nhưng bà là người gốc Huế. Tốt nghiệp xuất sắc tại trường ĐH Sư phạm Việt Bắc và được giữ lại làm giảng viên khi mới 20 tuổi. Trở thành thạc sĩ, tiến sĩ khi chưa quá tuổi 30.
Năm 2005 khi mới 35 tuổi, chị đã trở thành nữ PGS Toán học trẻ nhất Việt Nam.
GS.Lê Thị Thanh Nhàn có hơn 20 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp trí thế giới Vietnam Journal of Math và Communication in Algebra - một tạp chí chuyên ngành Đại số của Hội Toán học Mỹ. Viện Toán học Pháp, Viện Vật lý lý thuyết của Ý và Thuỵ Sĩ mời sang nghiên cứu.
Theo Nghiêm Huê/ Tiền phong
https://www.tienphong.vn/giao-duc/tai-nang-hai-nu-giao-su-toan-hoc-duy-nhat-cua-viet-nam-1539322.tpo