11
/
87501
Tuyển sinh hướng nghiệp: Không nên ngộ nhận ngành “hot”
tuyen-sinh-huong-nghiep-khong-nen-ngo-nhan-nganh-hot
news

Tuyển sinh hướng nghiệp: Không nên ngộ nhận ngành “hot”

Thứ 4, 04/03/2020 | 13:43:17
362 lượt xem

Đứng trước lựa chọn ngành nghề của các bạn trẻ trong mùa tuyển sinh năm nay, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) khuyến nghị: Hãy bình tĩnh lựa chọn, không nên ngộ nhận những ngành “hot”, bởi nếu chọn sai nghề có thể dẫn đến những hệ lụy khôn lường. 

Trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Ảnh minh họa/ INT Trong ngày hội tư vấn hướng nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Chọn đúng để hạnh phúc với nghề

- Lựa chọn nghề là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong nghề nghiệp sau này. PGS có bình luận gì về nhận định này?

- Hướng nghiệp là vấn đề quan trọng. Thực tế hầu hết phụ huynh và học sinh đều ý thức được rằng, việc lựa chọn nghề nghiệp phải có sự cân nhắc. Chọn nghề không thể chỉ dựa vào mối quan hệ thân quen hay những cơ hội việc làm và những xu thế của xã hội. Lựa chọn nghề nghiệp là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công một cách viên mãn hoặc thành công một cách giả tạo.

PGS.TS Phạm Mạnh Hà. Ảnh: ITN

Tôi nói thành công giả tạo ở đây có nghĩa là, có thể bạn đạt được tất cả những điều mong muốn. Ví dụ như tiền bạc, địa vị… nhưng thứ mà bạn không có được chính là hạnh phúc với nghề. Đấy là thành công một cách giả tạo. Thực tế, có nhiều người ở các lĩnh vực khác nhau như: Bác sĩ, kỹ sư, kiến trúc sư, luật sư… họ không thỏa mãn với nghề mình đã chọn và họ không hạnh phúc với nghề của mình.

Vì thế tiền bạc đối với họ không còn là giá trị nữa. Cứ hình dung rằng, khi bạn đến 40 – 50 tuổi, đã có được tất cả trong tay nhưng niềm vui không có thì chắc chắn tiền bạc không đem lại hạnh phúc. Hoặc có thể họ phải mua hạnh phúc bằng những thứ vật chất khác. Chính vì vậy, mọi người rất quan tâm đến lựa chọn nghề nghiệp.

- Thực tế vẫn có những bạn lựa chọn ngành nghề theo dư luận, đó là những ngành “hot”, ngành gắn với cách mạng 4.0. Vậy PGS có khuyến cáo gì cho các bạn trẻ trong mùa tuyển sinh năm nay?

- Như đã nói ở trên, công tác hướng nghiệp có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thành công trong nghề nghiệp sau này. Tuy nhiên không phải ai và cũng không phải phụ huynh nào cũng có cách hướng nghiệp chuẩn. Nói cách khác, việc lựa chọn nghề nghiệp của mình vẫn bị xu thế và những yếu tố dư luận cũng như áp lực của cuộc sống chi phối. Một số cơ sở giáo dục đại học nắm bắt được tâm lý đó, mở nhiều ngành mới với những tên hấp dẫn đối với thí sinh. Tên những ngành đó phù hợp với xu thế, được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trên truyền thông. Ví dụ như những nghề gắn với công nghiệp 4.0, IT, thế giới ảo, trí tuệ thông minh, big data…

Tìm thông tin tư vấn hướng nghiệp. Ảnh minh họa/ INT

Một số cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là những trường mới, còn non trẻ có xu hướng mở những ngành mới rất cao, bởi họ có thể mời các chuyên gia am hiểu về lĩnh vực đó để thiết kế, xây dựng chương trình ngay từ đầu nhằm thu hút thí sinh. Tất nhiên, chúng ta vẫn khẳng định rằng, xu thế của xã hội là đi theo hướng phát triển, đó là thời đại của công nghệ Internet, công nghiệp 4.0, của thế giới ảo, trí tuệ nhân tạo…

Nhưng chúng ta cũng đừng ngộ nhận tất cả những thứ đó đều phù hợp với mọi người. Vì thế, những ngành này sẽ vừa là cơ hội nhưng cũng là thách thức, thậm chí có những nguy cơ cực lớn đối với những bạn trẻ nếu như chỉ chọn nghề dựa theo dư luận, xu thế mà không tính toán một cách hợp lý. Đó là một cảnh báo cần lưu tâm vì rất nhiều bạn trẻ bây giờ cứ nghe tên ngành nghề hay, hoành tráng là bị thu hút. Các nhà tuyển sinh bao giờ họ cũng dựa vào tâm lý đó để tư vấn, mời chào…

Hệ lụy của chọn sai ngành nghề

- PGS có nhắc đến hệ lụy của việc chọn sai nghề, vậy cụ thể là gì?

- Nếu chọn sai nghề, hệ lụy sẽ không xảy ra ngay nhưng có thể sau 5 năm, thậm chí là 20 - 30 năm sau mới xảy ra, lúc đó không thể thay đổi được. Rất nhiều bạn khi đăng ký xét tuyển chủ yếu dựa vào năng lực học tập. Vì thế bạn học càng giỏi càng có nhiều cơ hội trúng tuyển vào những ngành “hot”, ra trường có nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cao. Sau khi ra trường, đi làm được 15 - 20 năm, dù có thành công nhất định nhưng sự nghiệp sẽ bị chững lại.

Bởi vì họ có thực sự đam mê với việc đó hay không, hay phải gồng mình lên để đáp ứng yêu cầu của công việc; trong khi đó công việc luôn thay đổi, khác hẳn so với lúc chọn nghề là chỉ dựa vào năng lực học tập. Còn khi làm nghề sẽ phải dựa vào năng lực riêng mới phát triển được. Những người đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp thường là những người đam mê với công việc và họ có sự lựa chọn đúng đắn.

Chính vì thế, chúng ta mới thấy nhiều người có địa vị, giàu có nhưng rồi thất vọng với công việc của mình và phải dừng lại khi sự nghiệp đang ở độ chín. Có người phải chuyển công việc khác hoặc phải miễn cưỡng để tiếp tục công việc đó cho đến khi nghỉ hưu. Nếu không họ phải trả giá bằng stress, bằng những đau khổ, dằn vặt với công việc mà mình đã lựa chọn sai. Đó là những hệ lụy sau này.

Tuy nhiên, hệ lụy ngay trước mắt đó là: Nhiều bạn lựa chọn nghề nghiệp xong thì vỡ mộng bởi những thứ hào nhoáng mà nhà tuyển sinh cung cấp. Có người bỏ ngang hoặc chán nản, căng thẳng trong học tập. Điều đó cho thấy, ở đâu đó vẫn có những câu chuyện sai lầm trong chọn nghề nghiệp. Suy cho cùng, đó là sự lãng phí cả thời gian, công sức, tiền bạc của gia đình, xã hội và làm mất đi cơ hội học tập của người khác. Ngoài ra, những nghiên cứu chỉ ra rằng, người không yêu nghề thì nguy cơ gặp tai nạn lao động hoặc những rủi ro trong nghề nghiệp cao hơn gấp 4 - 5 lần so với người khác.

- Xin cảm ơn PGS!

Nếu không căn cứ vào thực lực, sở thích, sở trường của bản thân, mà chỉ dựa vào thị trường lao động hoặc dư luận xã hội để lựa chọn ngành nghề thì đó là một sai lầm.              PGS.TS Phạm Mạnh Hà

Theo Sỹ Điền/GD&TĐ (Thực hiện)

https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-huong-nghiep-khong-nen-ngo-nhan-nganh-hot-4068739-b.html

  • Từ khóa

Loay hoay thay đổi cấu trúc đề thi tốt nghiệp

Hình thức trắc nghiệm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT bộc lộ nhiều bất cập, dẫn đến hệ lụy học sinh "khoanh bừa, đánh lụi".
14:39 - 13/01/2025
10 lượt xem

Trường đại học Y Hà Nội dự kiến mở ngành công tác xã hội

Năm 2025, Trường đại học Y Hà Nội dự kiến sẽ mở thêm 2 ngành đào tạo mới, gồm ngành công tác xã hội và ngành kỹ thuật hình ảnh y học.
10:47 - 13/01/2025
106 lượt xem

Truyền thông quốc tế quan tâm đến chiến lược giáo dục mới của Việt Nam

Các chính sách mới đây của Đảng và Nhà nước về giáo dục ĐH và khoa học công nghệ đã thu hút sự quan tâm của các kênh truyền thông quốc tế, được đánh giá...
09:48 - 13/01/2025
123 lượt xem

Liên thông trong đào tạo: Tuyển sinh thế nào?

Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, tuyển sinh liên thông được thực hiện theo một trong hai hình thức...
07:41 - 13/01/2025
196 lượt xem

Vì sao giải thể Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH?

Ban chỉ đạo đổi mới giáo dục ĐH được thành lập ngày 6.2.2006, đến nay đã chính thức giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ...
13:16 - 12/01/2025
633 lượt xem