Ngày 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố kết quả khảo sát PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) 2018 tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù khi làm các bài khảo sát theo PISA 2018, kết quả tăng nhưng Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Thông tin tóm tắt về kết quả PISA 2018 trên bảng kết quả của OECD công bố cho thấy: Đọc hiểu - lĩnh vực trọng tâm của chu kỳ 2018, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 19/65; chu kỳ 2015 đúng thứ 32/70). Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 17/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 22/70). Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia (chu kỳ 2012 đứng thứ 8/65; chu kỳ 2015 đứng thứ 8/70).
Tuy nhiên, có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh.
Mặc dù khi làm các bài khảo sát theo PISA 2018, kết quả tăng nhưng Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng toàn cầu. (Ảnh: Minh hoạ).
Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Ban đầu, OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam.
Do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019.
Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD.
Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn, đã cử Trưởng Ban phân tích dữ liệu của OECD sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn các cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu.
Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm.
Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính.
Mặc dù kết quả tăng nhưng có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh. (Ảnh: Minh hoạ).
OECD có 2 hình thức thi là trên giấy và máy tính, cả hai hình thức thi này có một số câu hỏi chung, tuy nhiên rất khác biệt về cách thức thực hiện, do đó, OECD cần phân tích và so sánh kết quả của các nước trên giấy với nhau, so sánh các nước thi trên máy tính với nhau. Việt Nam cũng đã chứng minh mô hình câu trả lời của học sinh Việt Nam hoàn toàn thống nhất với mô hình của các nước tham gia trên giấy.
Được biết, bài thi trên giấy hiện vẫn được sử dụng ở 9 quốc gia: Argentina, Jordan, Lebanon, Cộng hòa Moldova, Cộng hòa Bắc Macedonia, Romania, Ả Rập Saudi, Ukraine và Việt Nam. Không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước tham gia thi trên giấy khi so sánh với các nước OECD thi trên máy tính đều có sự khác biệt.
Kết quả PISA 2018 cho thấy, Trung Quốc đứng đầu thế giới cả về Đọc hiểu, Toán và Khoa học. Đây là sự thăng hạng vượt bậc khi ở lần công bố năm 2015, quốc gia này không lọt vào top 5. Tuy nhiên, bài đánh giá chỉ được thực hiện bởi học sinh tại bốn tỉnh, thành phố gồm: Thượng Hải, Giang Tô, Bắc Kinh và Chiết Giang. Điều này có nghĩa kết quả sẽ không thể hiện chính xác trình độ của hàng trăm triệu học sinh ở các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt là vùng nông thôn.
Singapore xếp hạng đầu trong khảo sát ba năm trước, nhưng năm nay tụt xuống vị trí thứ hai.
Đây là năm thứ 3 Việt Nam tham gia xếp hạng. Năm 2012 lần đầu tiên tham gia bảng xếp hạng PISA, Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về Toán và 19 về Đọc hiểu trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Năm 2015, Việt Nam đứng thứ 8/72 về Khoa học, 22 về Toán và 32 về Đọc hiểu. Kết quả này từng khiến GS Paul Glewwe (Đại học Minnesota, Mỹ) ngạc nhiên bởi xếp hạng PISA thường tỷ lệ thuận với GDP của mỗi quốc gia.
Theo Mỹ Hà/Dân trí
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tai-sao-viet-nam-khong-co-mat-trong-bang-xep-hang-quoc-te-pisa-2018-20191204215831471.htm