Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia khảo sát PISA nhưng trong “thang đo quốc tế” (bảng xếp hạng toàn cầu) thì vắng mặt tên Việt Nam.
Vào ngày 3/12, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã công bố kết quả khảo sát PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế) 2018 tại 79 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham gia đợt đánh giá này, tuy nhiên trong “thang đo quốc tế” (bảng xếp hạng toàn cầu) thì vắng mặt tên Việt Nam. Một số chuyên gia đo lường và đánh giá chất lượng cho biết OCED không công bố kết quả xếp hạng của Việt Nam mà chỉ công bố dữ liệu bảng hỏi. Khác với 2 lần khảo sát trước (năm 2012 và 2015), phía Bộ GD-ĐT Việt Nam đến nay cũng chưa công bố kết quả này.
Công việc khảo sát chính thức đã hoàn thành vào tháng 4/2018, với sự tham gia của 200 hiệu trưởng, 7.000 học sinh của 200 trường.
Được biết, khi làm các bài khảo sát theo PISA 2018, kết quả của học sinh Việt Nam khá cao, các môn đều vượt bậc trong thang đánh giá so với lần trước. Kết quả này được các chuyên gia của OECD khá bất ngờ, và đã có quá trình trao đổi với phía Việt Nam.
Năm 2012 là năm đầu tiên Việt Nam tham gia vào chương trình đánh giá PISA và xếp thứ 8 về Khoa học, thứ 17 về môn Toán và thứ 19 về môn Đọc hiểu trong số 65 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Đến năm 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ 8 về Khoa học. Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đứng thứ 22 còn lĩnh vực Đọc hiểu là 32 trong số 72 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Được biết, trong những năm gần đây, cách đánh giá từ các bài thi PISA đã được các nhà chức trách tập huấn, vận dụng khi thực thi các chính sách đổi mới giáo dục phổ thông, đặc biệt là những thay đổi của các kỳ thi lớn như thi vào lớp 10, thi THPT quốc gia.
Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu, Phần Lan xuống thứ 7
Trung Quốc, Singapore là hai nước có học sinh đạt kết quả thi cao nhất trong bảng xếp hạng giáo dục quốc tế. Các thiếu niên Trung Quốc dẫn đầu trong kỳ thi các môn Toán, Đọc và Khoa học.
Khảo sát PISA do (OECD) tổ chức 3 năm một lần, dựa trên bài thi của học sinh 15 tuổi ở gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Một lần nữa, các nước châu Á lại đứng đầu bảng xếp hạng này. Trong bảng xếp hạng PISA 2018, Trung Quốc và Singapore lần lượt xếp thứ nhất và thứ hai về năng lực Toán, Đọc và Khoa học.
4 tỉnh của Trung Quốc là Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Chiết Giang đã giành vị trí quán quân ở tất cả các bài thi của PISA, vượt qua các trường ở châu Á, châu Âu, Úc, Bắc Mỹ và Nam Mỹ.
Một số ý kiến cho rằng, một số khu vực phía Đông không nên đại diện cho cả Trung Quốc, nhưng theo OECD, quốc gia này có kích thước tương đương với nhiều quốc gia phương Tây. Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan cũng xuất hiện riêng trong bảng xếp hạng này.
Trung Quốc dẫn đầu bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu PISA
Cùng với Trung Quốc, Singapore, các nước châu Á vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong top đầu của bảng xếp hạng PISA 2018.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á đứng đầu bảng là Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Phần Lan - thường dẫn ngôi tốp đầu trong bảng này - năm nay xếp vị trí thứ 7.
"Hầu hết các nước OECD gần như không cho thấy sự cải thiện về thành tích kể từ khi PISA được tiến hành lần đầu tiên vào năm 2000", Tổng thư ký OECD Angel Gurria nói.
Theo ông Angel Gurria, chất lượng trường học hôm nay sẽ ăn vào sức mạnh của nền kinh tế vào ngày mai.
Hiện OECD đang cố gắng thay đổi bài kiểm tra xoay quanh nhiều thứ hơn là học thuật. Trong thử nghiệm mới nhất, bài kiểm tra đã đánh giá năng lực toàn cầu, trong đó yêu cầu học sinh bày tỏ suy nghĩ về cuộc sống và tương lai. Trong thử nghiệm tiếp theo vào năm 2021, bài kiểm tra sẽ đánh giá tư duy sáng tạo.
Chi tiết về xếp hạng năng lực Toán, Đọc và Khoa học.
Năng lực Đọc
Năng lực Toán
Năng lực Khoa học
Theo Hạ Anh - Thúy Nga/VietNamNet
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/tuyen-sinh/ket-qua-pisa-2018-viet-nam-tham-gia-nhung-khong-co-ten-trong-bang-xep-hang-quoc-te-594608.html