Trao đổi với Lao Động, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, quan điểm của bộ là không nên “hành” giáo viên của mình bằng những quy định không cần thiết. Tiếp thu phản ánh của Báo Lao Động, Bộ GDĐT sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình sửa đổi các văn bản, quy định về chứng chỉ trong việc thi, xét thăng hạng cho giáo viên, đội ngũ viên chức trong ngành giáo dục.
Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh: PV
Những quy định về chứng chỉ nằm trong Luật Viên chức
Trong những ngày qua, Báo Lao Động đã đăng tải loạt bài: Giấy phép con “hành” giáo viên”, bóc trần những chiêu trò, vấn nạn học giả, chứng chỉ thật trong việc cấp phát chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của các cơ sở giáo dục. Loạt bài cũng miêu tả thực trạng nhiều viên chức, giáo viên vùng cao phải vay tiền ngân hàng để đi thi chứng chỉ gian lận, cốt hoàn thiện hồ sơ thăng hạng viên chức. Giáo viên gọi đây là những “giấy phép con” và kiến nghị cần bỏ các quy định về chứng chỉ.
Trước thực trạng báo nêu, trên diễn đàn Quốc hội, các đại biểu kiến nghị Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành liên quan cần rà soát các quy định về văn bằng, chứng chỉ trong thăng hạng, nâng ngạch, những quy định nào không phù hợp thì cần loại bỏ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng đưa ra cam kết sẽ sửa quy định về chứng chỉ.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay sau khi loạt bài “Giấy phép con hành giáo viên”, “Giáo viên vay tiền ngân hàng, ngập trong nợ để dự kỳ thi chứng chỉ gian lận” đăng tải trên Lao Động, các đơn vị của Bộ đã vào cuộc, làm rõ vấn đề báo nêu.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết đã lập đoàn kiểm tra hoạt động tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học của Đại học Khoa học Thái Nguyên.Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - cũng cho biết, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được Bộ trưởng Bộ GDĐT quy định, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có Công văn số 1574 yêu cầu Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên rà soát các nội dung đề cập trong bài báo nêu, xử lý nghiêm nếu có sai phạm.
Theo đại diện Bộ GDĐT, quan điểm của Bộ là không nên “hành” giáo viên của mình bằng những quy định không cần thiết. “Những quy định về chứng chỉ không phải Bộ GDĐT tự quy định mà nằm trong Luật Viên chức, quy định không riêng cho ngành giáo dục mà biên chế của các ngành khác. Năm 2015, liên Bộ GDĐT và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23, 24/2015 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Lúc đó, chúng tôi tính đến chuyện lấy kết quả chuẩn đầu ra ngoại ngữ khi giáo viên học trong trường đại học, cao đẳng để tính tương đương. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên có người đã ra trường mấy chục năm nay, thời đó chưa có chuẩn đầu ra. Sau đó, Bộ GDĐT đã nghiên cứu, tính toán để đưa ra các quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng (trong đó có yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, tin học) phù hợp với thực trạng đội ngũ” - ông Phạm Tuấn Anh cho biết.
Sẽ loại bớt những chứng chỉ ngoại ngữ A, B, C
Dẫn thông điệp của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ tại diễn đàn Quốc hội về việc sửa quy định về văn bằng chứng chỉ, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã có lộ trình để điều chỉnh các quy định về chứng chỉ trong thăng hạng viên chức ngành giáo dục.
“Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục vừa trình lên lãnh đạo Bộ GDĐT kế hoạch công tác năm 2020. Trong kế hoạch này, chúng tôi đưa vào nội dung sửa đổi các văn bản, quy định về chứng chỉ trong việc thi, xét thăng hạng cho giáo viên, đội ngũ viên chức trong ngành giáo dục. Thứ nhất là sẽ sửa các thông tư quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cho phù hợp. Thứ hai là sửa quy định về ngoại ngữ, tin học. Cục Nhà giáo cũng sẽ tham mưu với lãnh đạo Bộ GDĐT trong việc điều chỉnh các quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với điều kiện đội ngũ của ngành và xu thế chung trong quản lý công chức, viên chức hiện nay, căn cứ theo điều kiện vùng miền và đặc thù của nghề giáo” - ông Phạm Tuấn Anh khẳng định.
Theo Lao động