Chỉ còn 10 tháng nữa, học sinh lớp 1 trên toàn quốc sẽ học sách giáo khoa (SGK) của chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới, nhưng đến thời điểm này, Bộ GD&ÐT vẫn chưa công bố về SGK để các địa phương đánh giá, lựa chọn và cho giáo viên dạy thử.
Từ năm học 2020 - 2021 học sinh lớp 1 sẽ học SGK mới. Ảnh: Hồng Vĩnh
Chương trình GDPT mới dự kiến áp dụng cho học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 bằng hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là từ năm 2021-2022 sẽ áp dụng SGK mới cho học sinh lớp 2, lớp 6, năm tiếp theo là lớp 3, lớp 7, lớp 10…
Để truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh, giáo viên phải có thời gian nghiên cứu SGK, vì chương trình lần này được xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực, khác hoàn toàn với chương trình hiện hành là tiếp cận nội dung. SGK sẽ cụ thể hóa những yêu cầu, mục tiêu thông qua các bài học.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Mai, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa (Hà Nội), vừa qua trường cho giáo viên dạy học thực nghiệm chương trình mới. Tuy nhiên, chưa thể đánh giá được gì. Đến thời điểm này, nhà trường cũng đang chờ công bố SGK mới, sau đó giáo viên chờ UBND TP Hà Nội quyết định lựa chọn bộ sách nào mới triển khai các giờ dạy mẫu.
Vì thời điểm này, SGK chưa có nên việc chuẩn bị cho dạy học chương trình mới cũng bị ngưng trệ. Ví dụ như, Bộ GD&ĐT đã ban hành danh mục mua sắm trang thiết bị cơ sở vật chất cho chương trình GDPT mới, trong đó lưu ý những thứ cần mua cho lớp 1, tuy nhiên vì chưa có SGK, các trường cũng chưa có căn cứ để mua sắm.
Thành bại ở thầy cô?
Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Tây Hồ (Hà Nội) cho hay, giáo viên tiểu học mới được tập huấn 1 đợt về chương trình chung, trong khi SGK chưa có. “Đáng lẽ, SGK phải hoàn thành cách đây 2-3 năm để các địa phương, nhà trường, giáo viên có thời gian nghiên cứu, tìm hiểu kỹ và đánh giá bộ sách cũng như phương pháp đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá”, hiệu trưởng này nói.
TS Nguyễn Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho rằng, để áp dụng đổi mới dạy học trong năm tới, có 2 vấn đề quan trọng. Đầu tiên phải kể đến bồi dưỡng đội ngũ, sau đó mới đến chuẩn bị SGK như thế nào. Trong đó, giáo viên được bồi dưỡng, tập huấn đóng vai trò tiên quyết, vì nếu giáo viên không thay đổi quan niệm, cách dạy sẽ khó thành công. Khi đội ngũ giỏi thì SGK nào cũng có thể dạy được, còn đội ngũ với trình độ chưa đáp ứng được yêu cầu thì khi có SGK mới lại phải bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Trọng Rỹ, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chia sẻ, trước khi thực hiện chương trình GDPT mới, ông có đề tài nghiên cứu thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với yêu cầu chương trình mới. Kết quả cho thấy, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa phải lùi chương trình lại mà trong quá trình thực hiện, Bộ GD&ĐT có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn và bản thân giáo viên cũng phải nỗ lực để đáp ứng sự thay đổi.
Quốc hội đã ấn định thời gian thực hiện áp dụng đổi mới SGK trong năm học 2020-2021 nên không thể lùi để giáo viên có thời gian nghiên cứu SGK. Hiện tại, Bộ GD&ĐT bắt đầu có chương trình tập huấn, các nhóm viết sách lớp 6, 7, 10 cũng đã tiến hành biên soạn sách nhằm chuẩn bị sớm vài năm để có thời gian đánh giá.
Ban đầu, Bộ GD&ÐT dự kiến công bố SGK mới vào giữa tháng 10 để các địa phương nghiên cứu, lựa chọn. Tuy nhiên, đến thời điểm này sách vẫn chưa được công bố. Trong khi đó, mới đây, Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức hội thảo, công bố 4 bản mẫu SGK lớp 1.
Theo Hà Linh/Tiền phong