Từ khi mới sinh, em Nguyễn Tấn Sang (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) đã không được lành lặn đôi tay. Đến 9 tuổi, Sang mới biết đi, khả năng nói cũng bị ảnh hưởng. Dù vậy, bằng nghị lực tuyệt vời, Sang đã vượt qua những khiếm khuyết để viết ước mơ bằng đôi chân.
Đôi chân thay thế đôi tay
Di chứng của một căn bệnh quái ác khiến đôi bàn tay của Sang co quắp, căng cứng. Mọi sinh hoạt cá nhân của Sang đều phải nhờ mẹ - chị Đỗ Thị Bé. Với Sang, mẹ là đôi tay, là điểm tựa cho Sang vượt qua mọi khó khăn.
Nguyễn Tấn Sang hiện là học sinh lớp 8C, trường THCS Đức Phú (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi)
Không như những đứa trẻ khác, đến năm 9 tuổi Sang mới biết đi, biết nói. Những ngày đầu chập chững, Sang đã trốn mẹ đến ngôi trường gần nhà xem các bạn cùng trang lứa học tập. Hình ảnh cậu bé không lành lặn kéo lê chiếc cặp cũ trên đường làng khiến nhiều người ngạc nhiên.
"La mắng hết lần này đến lần khác nhưng nó vẫn trốn đến trường. Đường đất, nó đi lại khó khăn nên cứ té úp mặt xuống đất, bây giờ đầu vẫn đầy sẹo. Thấy con ham học quá chị cũng đi xin nhưng đâu có ai đồng ý vì nghĩ thằng bé khuyết tật", chị Bé thở dài.
Tình yêu thương của người mẹ và nghị lực tuyệt vời của bản thân đã giúp Sang có thể viết được bằng chân.
Dù không được đến trường, Sang vẫn nhờ mẹ tập viết. Ngày này qua ngày khác, chị Bé cầm tay cho Sang viết. Thế nhưng, Sang bất lực khi không thể điều khiển được đôi bàn tay. Nhiều lần, Sang òa khóc bởi không viết được thì ước mơ đi học cũng khép lại.
Một lần tình cờ, chị Bé thấy Sang kẹp que củi vào ngón chân viết xuống đất. Nhìn những nét chữ khá tròn trịa, chị Bé chợt nảy ra ý tưởng tập cho Sang viết bằng chân. Với nghị lực tuyệt vời, Sang đã viết được những con chữ đầu tiên bằng chân sau hơn 1 năm tập luyện.
"Mẹ tập cho em viết, lúc đầu tập viết bằng tay nhưng khó lắm. Sau đó em tập viết bằng chân. Bây giờ, chân em có thể thay đôi tay. Em viết được bằng chân là nhờ mẹ", Sang nói một cách khó khăn.
Suốt nhiều năm sau đó, chị Bé tìm mọi cách để Sang được đi học. Thế nhưng, nhiều lần người mẹ nhận được cái lắc đầu. Mãi đến năm 15 tuổi, Sang mới được nhận vào học lớp 1.
Ước mơ của mẹ và con!
Nhà có 3 anh em, Sang là anh cả. Cha Sang phải đi làm thuê xứ người hết năm này sang năm khác. Suốt 8 năm qua, mẹ và 2 em phải thay phiên nhau đưa đón Sang đến trường.
Với Sang, được đi học là niềm vui vô bờ bến.
Ở trường, Sang được đóng cho một bộ bàn ghế riêng để có thể viết bằng chân. Dù nỗ lực đến mấy, việc học của Sang cũng vô cùng khó khăn. Thế nhưng khi được hỏi chuyện ở trường, chàng trai 22 tuổi học lớp 8 lại cười tít mắt. Nụ cười của Sang chứa đựng niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Sang thích học môn Tin học, Sang bảo sau này muốn làm kỹ sư công nghệ thông tin. Sang nghĩ, chiếc máy tính sẽ giúp bù được khiếm khuyết của đôi bàn tay.
"Em ước mơ học Công nghệ thông tin. Máy tính sẽ giúp em điều khiển mọi thứ bằng đôi bàn chân", Sang viết và lại nở nụ cười.
Sang ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin
Đồng hành cùng con suốt 22 năm, vượt qua bao khó khăn để con được đến trường, hơn ai hết chị Bé là người hạnh phúc nhất khi thấy con tươi cười khi nói về ước mơ. Thế nhưng, với tấm lòng của người mẹ, chị Bé muốn Sang thực hiện được một ước mơ khác. Ước mơ lớn nhất cuộc đời của chị Bé là Sang có thể điều khiển được đôi bàn tay để sau này khi không còn mẹ, Sang có thể tự lo cho mình.
"Nếu Sang không sử dụng được bàn tay thì sau này không còn mẹ, ai sẽ lo cho Sang? Ai sẽ tắm rửa, thay quần áo, đút cơm cho Sang mỗi ngày? Cả cuộc đời chị chỉ mong có một phép màu cho đôi tay Sang lành lặn", chị Bé thở dài.
Đôi bàn chân vấp ngã trên đường đến trường, đôi bàn chân nắn nót từng con chữ đến đôi bàn chân điều khiển máy tính là một hành trình rất dài. Có thể, với những khiếm khuyết quá lớn, Sang sẽ không đi đến được đích cuối cùng. Nhưng vượt lên tất cả, những gì Sang đã "viết" nên bằng đôi chân sẽ là câu chuyện đẹp về nghị lực của một "vầng trăng khuyết" giữa đời thường.
Cô Trần Thị Kim Oanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 8C (THCS Đức Phú) cho biết, dù viết bằng chân khó khăn nhưng Sang luôn nỗ lực hoàn thành bài học. Nghị lực của Sang khiến các bạn trong lớp nể phục. Học sinh ở trường rất tôn trọng, quý mến anh Sang. "Nghị lực của Sang là tấm gương để tất cả học sinh nhà trường noi theo", cô Oanh nói. |
Theo Quốc Triều/Dân trí