Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành giáo dục phải tạo sự chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên. Thủ tướng cũng yêu cầu sự đồng hành của các tổ chức xã hội.
Ngành giáo dục đặt hàng loạt nhiệm vụ trong năm học mới 2019-2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: TTXVN)
“Năm học 2019-2020 này phải tạo ra sự chuyển biến căn bản trong đạo đức, lối sống, kể cả kỹ năng sống trong học sinh, sinh viên.” Đây là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với ngành giáo dục trước thềm năm học mới.
Rà soát chương trình đào tạo đạo đức, lối sống
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng nhấn mạnh nhà trường có vai trò trung tâm, trụ cột trong vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại chương trình đạo đức lối sống trong các trường sư phạm, trong các cơ sở giáo dục đào tạo. Chương trình phải đảm bảo thiết thực, khả thi, cụ thể, hiệu quả, đảm bảo số giờ và các nội dung về đạo đức để lồng ghép trong các môn văn hóa khác. Hiện nay, nhà trường có môn đạo đức, giáo dục công dân nhưng vẫn bị coi nhẹ. Vì thế, Thủ tướng yêu cầu năm học này, giáo dục vai trò của đạo đức phải được đặt rõ ràng hơn.
Giáo dục đạo đức lối sống không chỉ trong trường mà phải thông qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh sinh viên tiếp xúc với truyền thống văn hóa. Thủ tướng lấy ví dụ việc tổ chức hoạt động viếng nghĩa trang, thăm đối tượng chính, ngời có công, thăm những nơi có cuộc sống khó khăn để học sinh thấu hiểu cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt, thầy cô gương mẫu là tấm gương quý báu nhất để học sinh noi theo.
“Tôi yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ một chỉ thị về giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên sớm, trước khi khai giảng năm học,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh: “Chúng ta có nhiều văn bản, nghị định, Thủ tướng có đề án, Bộ Giáo dục đã có thông tư... nhưng tôi yêu cầu rà soát thực thi để tổ chức thực hiện đạt kết quả tốt nhất. Các cấp địa phương như hội đồng nhà trường, cấp ủy, ban giám hiệu... đều phải được phát huy theo hướng này. Mỗi nơi đều có chi đoàn thanh niên, hội đồng đội thì các đồng chí phải tổ chức cho tốt hơn. Đây là phần rất quan trọng.”
Mỗi thầy cô giáo phải là tấm gương về đạo đức, lối sống cho học sinh. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Khẳng định vai trò trung tâm của nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên là trách nhiệm của toàn xã hội.
“Chúng ta có một nguyên lý vai trò của nhà trường, gia đình và xã hội, chúng ta nói nhiều rồi nhưng thực hành chưa được bao nhiêu,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
["Mục tiêu dạy chữ được chú trọng, dạy người vẫn còn bị xem nhẹ"]
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể dục và Thể thao phải rà soát văn hóa gia đình để gia đình ấm êm, hạnh phúc, trách nhiệm với con em. Không có dân tộc nào hiếu học như dân tộc Việt Nam nhưng có một bộ phận gia đình chưa quan tâm nhiều.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tổ chức quần chúng, công an, phụ nữ, hội người cao tuổi, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có trách nhiệm cùng với nhà trường và gia đình để giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Trước hết là người lớn gương mẫu, làm gương. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương phải nói và làm nhiều hơn nữa vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, đưa những mô hình tốt, những tấm gương tốt, những em học sinh liều mình cứu bạn hay có thầy giáo cõng trên lưng những em học sinh tật nguyền đi học. Đoàn Thanh niên, Hội đồng đội Trung ương phải bằng những việc làm cụ thể để lôi cuốn phong trào thanh thiếu niên sinh hoạt lành mạnh, hướng vào cái thiện, cái tốt.
“Giới trẻ hiếu động, trong khi mạng xã hội chi phối rất lớn, nếu chúng ta không có hoạt động thiết thực thì chúng ta thua cuộc,” Thủ tướng nói.
Lòng yêu nước phải bắt đầu từ tình yêu gia đình, mái trường, yêu kính thầy cô, cha mẹ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bám sát 5 điều Bác Hồ dạy
Là đại diện Chính phủ trực tiếp phụ trách lĩnh vực giáo dục, trong năm học mới này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh: tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống là vấn đề đầu tiên mà ngành giáo dục cần chú trọng hơn nữa trong năm học mới.
Theo Phó Thủ tướng, việc cần làm ngay là phải bám sát ba khẩu hiệu của ngành (“thi đua dạy tốt học tốt”, “tiên học lễ hậu học văn”, “tất cả vì học sinh thân yêu”) và bám sát 5 điều Bác Hồ dạy, và phải làm những điều đó bằng những việc rất cụ thể. Ví dụ việc tổ chức khai giảng đã vì học sinh hơn, ở nhiều nơi là giáo viên đón học sinh thay vì học sinh phải vẫy cờ đón, đại biểu ngồi xung quanh thay vì ngồi trước...
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc treo khẩu hiệu phải gắn với hành động thực sự. Khẩu hiệu “vì học sinh thân yêu” nhưng trường chạy theo tỷ lệ bao nhiêu học sinh giỏi, tiên tiến, giáo viên gây sức ép lên học sinh thì đó là vì người lớn chứ không phải “vì học sinh.” Khẩu hiệu “giữ gìn vệ sinh thật tốt” nhưng từ nhà vệ sinh đến các góc trong trường chưa sạch, trường xây mới nhưng vườn trường bỏ hoang thay vì trồng hoa. Bác Hồ nói “dạy tốt, học tốt”, giáo viên động viên học sinh học nhưng bản thân mình không học, ở trường học sinh học tiếng Anh tốt nhưng giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó không biết tiếng Anh. Có “thi đua” nhưng lại không vào những nội dung thiết thực của thầy cô giáo.
Từ những phân tích đó, Phó Thủ tướng cho rằng không nên coi việc dạy đạo đức chỉ là việc của giáo viên chủ nhiệm và giáo viên môn giáo dục công dân mà ở trong mọi giờ học, mọi hoạt động của trường.
“Chúng ta phải làm sao giáo dục đạo đức và sinh hoạt đoàn, đội không bằng những thứ cao siêu mà ngay ở trong gia đình, trường học. Yêu nước từ yêu ngôi trường, kính trọng cha mẹ, thầy cô. Các bài giảng đạo đức phải gắn với gương người tốt, việc tốt ở ngay trường mình. Đó là cách dạy đạo đức tốt nhất,” Phó Thủ tướng nói./.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)