Năm học 2019-2020, ngành giáo dục xác định việc 'dạy người', dạy đạo đức, lối sống, giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh phải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu và quyết tâm triển khai hiệu quả.
Học sinh Trường tiểu học Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP.HCM trong tiết học đạo đức - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ngạn ngữ châu Phi có câu "Cần cả một ngôi làng để dạy một đứa trẻ". Sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội sẽ tạo được cộng hưởng tốt trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ với Tuổi Trẻ trước thềm năm học mới. Ông Nhạ nói:
- Trước hết, phải khẳng định quan điểm giáo dục toàn diện có tính xuyên suốt từ truyền thống tới hiện đại trong nền giáo dục của Việt Nam. Thầy cô nào, trường lớp nào, ông bà, cha mẹ nào cũng đều mong muốn giáo dục học sinh, con em mình vừa giỏi, vừa ngoan, vừa "hồng", vừa "chuyên". Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh có biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống, gây ra một số vụ việc khiến xã hội lo ngại, bức xúc.
Nguyên nhân có nhiều, nhưng phải kể đến là môi trường học đường bị lây nhiễm bởi tệ nạn xã hội, một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý sa sút đạo đức nhà giáo, thiếu sát sao tư vấn tâm lý cho học sinh. Các thầy cô còn coi nặng về "dạy chữ" mà chưa quan tâm đúng mức đến "dạy người". Nội dung, phương pháp, hình thức dạy và học môn đạo đức còn nặng lý thuyết, thiếu tính nêu gương.
* Trên thực tế có những hiện tượng tiêu cực cứ trở đi trở lại và có chiều hướng lan rộng. Bộ GD-ĐT có những giải pháp cụ thể nào?
- Để "tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là khẩu hiệu suông, để hoạt động "dạy người" trong nhà trường có chuyển biến thiết thực, rất cần sự nêu gương của đội ngũ thầy cô. Trong đó, vai trò của các hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên tư vấn tâm lý, cán bộ Đoàn, Hội, Đội có vị trí then chốt.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo việc đổi mới phương pháp đánh giá đạo đức, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh theo hướng thuyết phục, thực chất và cụ thể hơn.
Muốn thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ nêu trên, theo tôi, bên cạnh sự nỗ lực của ngành giáo dục, rất cần sự chung tay của gia đình và xã hội. Với học sinh, cha mẹ có vai trò như là "thầy cô" lúc ở nhà vậy. Còn xã hội chính là môi trường sống hằng ngày của học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ
* Để tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới, trong năm học này bộ trưởng có chỉ đạo cụ thể gì để khắc phục bất cập, chuẩn bị tốt nhất cho việc thực hiện chương trình?
- Chương trình giáo dục phổ thông mới nhấn mạnh mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Mọi môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình mới, ở các mức độ khác nhau đều có nhiệm vụ phát triển năng lực, bồi đắp tâm hồn, giá trị sống cho học sinh thông qua nội dung và phương pháp giáo dục truyền cảm hứng, tạo động lực để học sinh "học qua làm" mà phát triển phẩm chất, năng lực.
Năm học này, các vụ bậc học tiếp tục chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục hiện hành theo định hướng chương trình mới. Nghĩa là tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh. Qua đó lồng ghép trong các môn học, hoạt động giáo dục các biện pháp tăng cường hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Các trường học, tùy theo điều kiện thực tế, cần chuyển hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa sang định hướng tổ chức hoạt động trải nghiệm. Trong đó tập trung vào các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ bản thân tránh bị xâm hại, bạo lực, ý thức giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp...
* Công đoàn Giáo dục Việt Nam từng phát động xây dựng "Trường học hạnh phúc", Bộ GD-ĐT thể hiện sự ủng hộ việc này bằng những chỉ đạo cụ thể như thế nào?
- "Trường học hạnh phúc" hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh... đều được nói lên suy nghĩ, cảm nhận của cá nhân, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực của mình. Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình.
Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và nhà giáo trên cả nước chú trọng thực hiện các nhiệm vụ để tạo ra môi trường làm việc, học tập lành mạnh, cùng nhau lan tỏa và nêu gương những điều tốt đẹp, những tấm gương nhà giáo mẫu mực, tâm huyết và sáng tạo.
Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế và tổ chức đánh giá tổng kết thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc" để từng bước nhân rộng ra các nhà trường phổ thông.
* Nhân năm học mới, năm học bản lề với chương trình giáo dục phổ thông mới, bộ trưởng có nhắn gửi gì tới cán bộ quản lý các cấp, thầy cô giáo và học sinh cả nước?
- Năm học 2019-2020, ngành giáo dục tiếp tục thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản đã đề ra, trong đó ưu tiên hàng đầu việc triển khai thực hiện là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Là năm học "bản lề", tôi mong rằng thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục tâm huyết với nghề, giữ vững đạo đức nhà giáo, tham gia tích cực quá trình đào tạo, bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để thích ứng với yêu cầu đổi mới của ngành.
Tôi cũng mong rằng mỗi bậc phụ huynh, mỗi địa phương và toàn xã hội cùng đồng hành và chung tay với sự nghiệp đổi mới GD-ĐT. Chỉ khi có sự vào cuộc thực sự của toàn xã hội, sự nghiệp đổi mới giáo dục mới đi đến thành công. Chúc các em học sinh có một năm học khỏe mạnh, an toàn với nhiều niềm vui và có thêm những thành tích mới trong học tập và rèn luyện.
Theo Vĩnh Hà/Tuổi trẻ (thực hiện)