Vì bệnh khoe thành tích, vì bệnh khoa trương, thậm chí là vì chuyện giải ngân… mà nhiều nơi không muốn làm, khiến học sinh trở thành “nạn nhân” của những buổi khai trường phô trương.
“Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”. Hẳn không ai quên được những áng văn đẹp đẽ đó trong truyện ngắn “Tôi đi học” của nhà văn Thanh Tịnh. Và cứ mỗi dịp tựu trường, câu chuyện về một lễ khai giảng ý nghĩa lại được đặt ra.
Năm ngoái, đón con về sau lễ khai giảng, tôi hỏi cậu con trai học lớp 6 “lễ khai giảng có gì vui?”, cháu hồn nhiên bảo, con cùng các bạn ngồi nói chuyện dưới sân, chẳng biết bên trên thầy cô phát biểu gì. Chuyện này chắc chắn không xa lạ với phụ huynh và học sinh ở nhiều nơi vì từ lâu, lễ khai giảng đã không còn là ngày hội của học sinh.
Ai cũng nói phải trả lại lễ khai giảng cho học sinh nhưng quan sát lễ khai giảng ở nhiều trường, vẫn là lãnh đạo, thầy cô cầm văn bản viết sẵn đọc những điều đao to búa lớn, vượt quá tầm hiểu biết của các em, nhất là với những học sinh tiểu học còn chưa đọc thông, viết thạo. Hình ảnh học sinh ngồi nói chuyện riêng, ngáp ngắn ngáp dài là minh chứng rõ nhất cho việc các em chẳng quan tâm gì đến những lời phát biểu trên sân khấu.
Đến đây, tôi lại nhớ lời của ông đốc (hiệu trưởng) trong truyện ngắn “Tôi đi học”. Ông đốc bảo: “Thế là các em đã vào lớp năm. Các em phải cố gắng học để thầy mẹ được vui lòng, và để thầy dạy chúng em được sung sướng. Các em đã nghe chưa?”. Những lời nói đầy chân thành, giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người hơn rất nhiều so với những bài phát biểu mà chúng ta có thể đọc được trên báo trong những ngày khai giảng gần đây.
Chưa kể, để có được lễ khai giảng “hoành tráng”, nhiều trường đã bắt học sinh phải tập dượt trước đó nhiều ngày dưới tiết trời nắng. Nhiều học sinh đổ bệnh sau những buổi tập dượt đó, không thể đến trường trong ngày ý nghĩa nhất của một năm học.
Trước ngày khai giảng năm nay, em Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh Trường Marie Curie (Hà Nội), viết tâm thư gửi thầy hiệu trưởng đề xuất một lễ khai giảng không thả bóng bay để bảo vệ môi trường. Đề xuất đó ngay lập tức được nhiều người ủng hộ và hiệu trưởng nhà trường cũng hứa sẽ có một lễ khai giảng vui hơn.
Những ý tưởng để lễ khai giảng thực sự là ngày vui đến trường của học sinh không thiếu. Bản thân các vị lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo nhà trường cũng biết. Nhưng vì bệnh khoe thành tích, vì bệnh khoa trương, thậm chí là vì chuyện giải ngân… mà nhiều nơi không muốn làm, khiến học sinh trở thành “nạn nhân” của những buổi khai trường phô trương.
Trước ngày hội đưa trẻ đến trường năm nay, khi đến thăm thầy trò vùng lũ Quan Sơn (Thanh Hóa), Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã hứa sẽ tính toán để hợp nhất ngày tựu trường với ngày khai giảng, tránh học trước, khai giảng sau như hiện nay. Nhưng chưa thấy Bộ hứa sẽ trả ngày khai giảng về đúng nghĩa là ngày hội tựu trường của thầy cô và học sinh.
Một mong ước nhỏ nhưng là rất lớn và khó thực hiện nếu người lớn không đặt học sinh là trung tâm của ngày khai trường.
Theo T.H/Tiền phong