Đối với những học sinh vừa chia tay trường mầm non để bước vào ngôi trường tiểu học, đây thực sự là một dấu mốc đặc biệt bởi các em sẽ bước vào môi trường học tập mới.
Với trẻ bước vào lớp 1, ngôi trường mới sẽ khiến các em ít nhiều cảm thấy bỡ ngỡ. Ảnh minh họa. (Ảnh: Trịnh Duy Hưng/TTXVN)
Chỉ còn ít ngày nữa, các cơ sở giáo dục từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông trong cả nước sẽ tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới 2019-2020.
Đối với những học sinh vừa chia tay trường mầm non để bước vào ngôi trường tiểu học, đây thực sự là một dấu mốc đặc biệt bởi các em sẽ bước vào môi trường học tập đòi hỏi nhiều yêu cầu mới so với ở trường mầm non trước đây.
Nhiều điều mới lạ, từ khuôn khổ, nội quy trường, lớp, đến những kiến thức mới đang đón chờ các em và cả những âu lo, mong đợi của các bậc phụ huynh khi con em mình bước vào một chặng đường mới với rất nhiều bỡ ngỡ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện tốt công tác tổ chức các hoạt động chào đón học sinh lớp đầu cấp, xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động vui tươi, hấp dẫn, an toàn để chào đón học sinh các lớp đầu cấp, tạo cho các em tâm lý thoải mái, tự tin nhất khi bước vào năm học mới.
Nhằm tạo điều kiện cho học sinh chuẩn bị bước vào lớp 1 ở trường tiểu học có thể nhanh chóng gắn bó với trường mới, thầy cô mới, ngay từ khi năm học cũ chưa kết thúc, một số trường mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với các trường tiểu học cùng tuyến tổ chức cho học sinh lớp lá (trẻ từ 5-6 tuổi) của trường đi tham quan trường tiểu học mà các em sẽ vào học.
Theo một số chuyên gia giáo dục, hiện nay, xu hướng phát triển toàn diện đòi hỏi giáo viên, nhất là giáo viên ở bậc tiểu học có các kỹ năng phù hợp để học sinh thấy yêu trường, yêu lớp. Các em gắn bó, có cảm giác thoải mái, vừa chơi vừa học thì mới có hứng thú đến trường và tiếp thu kiến thức.
Với trẻ bước vào lớp 1, ngôi trường mới với những quy định mới, khuôn khổ mới, sẽ khiến các em ít nhiều cảm thấy bỡ ngỡ, thậm chí tỏ ra sợ sệt, rụt rè, khó thích nghi được ngay.
Thời điểm này, vai trò của các giáo viên là rất quan trọng. Chính các thầy, cô là những người hướng dẫn, tạo lập cho các em phương pháp hòa nhập, giúp học sinh dần quen với ngôi trường mới, tiếp thu kiến thức một cách nhẹ nhàng, phù hợp nhất.
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý thoải mái, không vì sốt ruột mong muốn con tiếp thu nhanh kiến thức mà dẫn đến gò ép, thúc giục con học tập, ôn luyện quá nhiều ngay khi vừa mới vào học lớp 1.
Tiến sỹ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng ở trường, mỗi học sinh có mức độ tiếp thu khác nhau. Vì vậy đi học là phải tạo cho con trẻ niềm vui, sự hạnh phúc, tự tin tiếp nhận kiến thức, chứ không phải là áp lực cầu toàn của gia đình./.
Theo Thanh Trà (TTXVN/Vietnam+)