Đôi khi bố mẹ nóng giận, có lời nói nặng nề hay hình phạt quá nghiêm khắc với con. Khi bình tĩnh, phụ huynh mới thấy hối hận, tìm cách hòa giải.
Trang VerwellFamily đưa ra các cách hữu ích mà bố mẹ có thể áp dụng.
Đừng giả vờ như chưa nói gì
Khi bình tĩnh lại, bố mẹ đôi khi giả vờ như chưa có chuyện gì xảy ra và lơ đi những lời nói hay hình phạt mình đã đưa ra để dọa con. Điều này không hề tốt và còn có thể đưa ra những thông điệp sai cho con, hoặc thậm chí khiến con nhờn vì nghĩ rằng bố mẹ chỉ nói mồm.
Tất nhiên, điều đó không có nghĩa bố mẹ phải làm đúng những gì đã nói khi tức giận. Cách tốt nhất là bố mẹ giảm nhẹ hình phạt, đưa ra mức phạt hợp lý hơn. Ví dụ, khi bố mẹ giận vì con xem tivi nhiều mà không chịu học tập rồi nói quá lên là sẽ vứt tivi ra khỏi phòng. Thay vì hành động quá khích kia, bố mẹ chỉ cần cắt giảm thời gian xem tivi của con, hoặc cấm con xem đến khi nào làm xong bài.
Đừng bao giờ giả vờ như bản thân chưa nói gì, vì điều đó sẽ khiến con cảm thấy lo lắng và bứt rứt không biết bố mẹ sẽ xử lý ra sao sau khi đe dọa mình, cũng như hồi hộp khi nào thì hình phạt tới.
Có một cuộc nói chuyện thẳng thắn với con
Sau khi bình tĩnh và nhận ra mình đã cư xử quá nóng giận, làm tổn thương đến tâm lý của con, cách tốt nhất để sửa sai là bố mẹ hãy ngồi xuống, cùng con nói chuyện thẳng thắn.
Bố mẹ hãy thành thật thừa nhận sai lầm của bản thân cũng như chịu trách nhiệm cho hành vi của mình. Nói xin lỗi với con, đảm bảo rằng mình không hề có ý nghĩ như những lời nói lúc nóng giận hay sẽ không áp dụng hình phạt quá nghiêm khắc.
Câu nói "Bố/mẹ xin lỗi. Bố/mẹ rất buồn vì những điều lỡ nói" sẽ giúp giải tỏa căng thẳng và giúp con bạn đỡ tổn thương hơn.
Bố mẹ cần thẳng thắn thừa nhận lỗi của mình. Ảnh: VerywellFamily
Bố mẹ cần xem lại bản thân
Đôi khi bố mẹ nóng giận quá mức với con là bởi bản thân đang gặp những vấn đề về tâm lý. Nhiều khi đi làm về trong tình trạng mệt mỏi, hay đang gặp rắc rối về tiền bạc, quá căng thẳng, bạn tìm cách trút giận lên con để giải tỏa ức chế của bản thân.
Trường hợp này, hành vi của bạn chính là dấu hiệu cảnh báo mức độ căng thẳng tâm lý của bạn đang rất cao. Hãy cố gắng kiềm chế bản thân và áp dụng một số cách giảm stress như hít thở sâu, nghe nhạc, nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ để không khiến cảm xúc của mình ảnh hưởng đến con.
Nhiều trường hợp, bố mẹ thường xuyên nóng giận và trách phạt nghiêm khắc sẽ khiến con bị tổn thương tâm lý, đâm ra hoảng sợ hoặc tệ hơn là ghét bỏ bố mẹ. Hãy tự nghĩ đến những hậu quả có thể xảy ra để kiềm chế bản thân.
Còn nếu bố mẹ gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cơn giận thì hãy nghĩ đến sự trợ giúp từ những người chuyên nghiệp, như bác sĩ, chuyên gia tâm lý để được giúp cách điều chỉnh cảm xúc, cải thiện cả kỹ năng làm cha mẹ.
Theo Thanh Hương/VnExpress (nguồn VerwellFamily)