Chuẩn bị khai giảng năm học mới, ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát cơ sở vật chất, lên phương án cải tạo, sửa chữa, thay thế các công trình hư hỏng…, kiên quyết không đưa các công trình trường học xuống cấp vào sử dụng
Còn khoảng 25% phòng học tạm
+ Để tốt nhất, Bộ GD&ĐT đã có phương án gì về cơ sở vật chất, thưa ông?
Không riêng gì cơ sở vật chất mà các vấn đề khác chuẩn bị cho năm học mới, năm nào Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các địa phương rất sát sao.
Cụ thể, trong những ngày hè, các địa phương và các nhà trường phải kiểm tra các công trình trường học nào xuống cấp, không đạt yêu cầu, phải sửa chữa, kiên quyết không đưa công trình xuống cấp, không đủ điều kiện, vào sử dụng.
Chẳng hạn mấy năm học vừa qua, có một số trường hợp sập trường lớp, do đó Bộ chỉ đạo, để xảy ra trường hợp như vậy, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý trực tiếp ở cấp tỉnh.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT yêu cầu rà soát lại trang thiết bị trường học, xem cái nào thiếu, hư hỏng để mua sắm bổ sung.
Ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học, đồ chơi trẻ em (Bộ GD&ĐT)
+ Thời gian áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 đã cận kề. Bộ GD&ĐT đã tính toán trường lớp ra sao cho việc này?
Không chỉ chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ cũng đã chuẩn bị “đón đầu” cho việc triển khai Chương trình phổ thông mới cho lớp 1 trong thời gian tới đây.
Hiện nay, chúng ta còn xấp xỉ 25% trường học bán kiên cố, phòng học tạm và một số phòng học mượn.
Để chuẩn bị cho việc học 2 buổi/ngày, trước hết phải khắc phục được 25% phòng học tạm này - tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc và ĐBSCL.
Câu hỏi đặt ra, với tỉ lệ phòng học bán kiên cố như vậy, liệu sang năm 2020, khi học sinh bước vào học 2 buổi/ngày có đủ phòng học không?
Chúng tôi khẳng định, với năm 2020 áp dụng cuốn chiếu, các trường dành phòng học cho học sinh lớp 1 là đủ, bởi các lớp từ lớp 2 đến lớp 5 chỉ học một buổi.
Vấn đề sau năm 2020, việc học 2 buổi/ngày tiếp tục sang lớp 2 thì các địa phương sẽ thiếu phòng học. Vậy các địa phương còn 2 năm nữa để chuẩn bị lộ trình học 2 buổi/ngày.
Do đó, Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị rất quyết liệt và phê duyệt nhiều đề án liên quan. Tuy nhiên, các địa phương cần vào cuộc bởi còn kinh phí và một số vấn đề liên quan khác.
Hiện, nhiều địa phương đã có đề án chuẩn bị và có các phương án rất hay và khá bất ngờ. Chẳng hạn ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Sơn La…, họ áp dụng nguyên tắc “3 cứng”.
Chẳng hạn, họ đầu tư khoảng 30-40 triệu đồng để xây những phòng học rất kiên cố gồm: Nền cứng, mái cứng, tường cứng và huy động xã hội hóa để thi công.
Một lớp học ở Nam Trà My, Quảng Nam trước thời điểm chưa được xã hội hóa để xây mới. Được biết, sau loạt bài của Dân trí, các học sinh ở đây đã có lớp học kiên cố.
Không đưa các công trình trường học xuống cấp vào sử dụng
+ Thời gian gần đây, một số công trình trường học xuống cấp gây tai nạn cho học sinh và giáo viên. Bộ GD&ĐT có tiêu chí cụ thể nào để đánh giá một công trình không đủ điều kiện hoạt động, thưa ông?
Về lĩnh vực này, hiện có quy trình đánh giá chất lượng công trình do Bộ Xây dựng ban hành và các văn bản, thông tư hướng dẫn liên quan khác. Trong đó, có xác định công trình như thế nào là xuống cấp, quy trình bảo trì công trình ra sao.
Khi phát hiện thấy công trình xuống cấp, đơn vị đó phải báo với cơ quan quản lý trực tiếp về công trình trên địa bàn, không phải báo cho Bộ GD&ĐT.
+ Vậy Bộ GD&ĐT có biết, hiện cả nước có bao nhiêu công trình trường học đang hỏng hóc, xuống cấp?
Bộ GD&ĐT không thuộc quản lý các công trình xây dựng nên không nắm được cả nước có bao nhiêu công trình trường học xuống cấp.
Có một thực tế, khi đơn vị trường học phát hiện ra xuống cấp và báo cáo nhưng địa phương sở dĩ thời gian qua, một số công trình chậm xử lý dẫn đến tai nạn là do thiếu kinh phí nên việc bảo trì, bảo dưỡng còn chậm và điều này, các cấp lãnh đạo địa phương cần phải biết.
Điểm Trường mầm non Nà Ngao - ngôi trường khó khăn nhất ở thôn Châng, xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, Hà Giang đã được xây mới nhờ sự đóng góp của phụ huynh học sinh Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội.
+ Theo tìm hiểu của PV, một số địa phương ngoài lo lắng về thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học áp dụng cho Chương trình mới là trở ngại không nhỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Về thiết bị dạy học, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 05 /2019/TT-BGDĐT về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1. Nghĩa là trước khi thực hiện Chương trình mới của lớp 1, Bộ đã có các văn bản.
Thiết bị lớp 1 so với danh mục cũ, cơ bản là sự kế thừa danh mục cũ là chủ yếu. Trong đó, bổ sung thêm thiết bị giảng dạy về giới tính, chống xâm hại, dạy về an toàn giao thông.
Thiết bị dạy học mới, chú trọng tính ứng dụng, sử dụng được nhiều lần và địa phương căn cứ vào đó để bổ sung.
Như vậy, việc chỉ đạo cho năm học mới bộ đã làm đầy đủ, các địa phương đang quá trình thực hiện.
+ Vậy theo tiến độ, đến bao giờ có thể xóa được hết các phòng học tạm bợ để chuẩn bị Chương trình phổ thông mới, thưa ông?
Không phải khi áp dụng Chương trình Phổ thông mới, chúng tôi mới đặt ra việc xóa phòng học tạm bợ. Ngay từ đầu năm 2000, khi thống kê cơ sở vật chất cho thấy, tình trạng lớp học tranh nứa lá, bán kiên cố, có thể gây nguy hiểm cho học sinh.
Do đó, Chính phủ đều dành phần khá lớn trái phiếu chính phủ để xóa bỏ phòng học tạm. Đây là một trong những chủ trương rất được ủng hộ vì kết quả thấy rõ rệt.
Đặc biệt, trách nhiệm về giáo dục phổ thông là ở địa phương nên địa phương phải bố trí nguồn lực để thực hiện việc này.
Về phía Bộ GD&ĐT thực hiện hai việc: Ban hành quy chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị hiện hành. Thứ hai, Bộ tham mưu với Chính phủ và Quốc hội để hỗ trợ địa phương khó khăn và tham mưu ban hành một số chính sách khác.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo Mỹ Hà/Dân trí