Nếu nói Bộ GD- ĐT không quản lý về phôi bằng thì vẫn quản lý chỉ tiêu tuyển sinh và thanh tra thường xuyên, nhưng tại sao vẫn để sai phạm nhiều năm?
Ai “mở đường” cho ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép?
Bộ Công an truy nã Chủ tịch HĐQT trường Đại học Đông Đô
Liên quan đến vụ việc Đại học (ĐH) Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 trong nhiều năm vừa bị cơ quan công an điều tra, khởi tố, bắt tạm giam và phát lệnh truy nã cán bộ của trường, trao đổi với báo chí, Bộ GD- ĐT khẳng định Bộ không hề cho phép trường đào tạo văn bằng 2. Tuy nhiên, từ năm 2015-2017, Vụ Kế hoạch tài chính của Bộ vẫn liên tiếp phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho trường, trong đó có cả chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2. Văn phòng Bộ cũng là đơn vị cấp phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô. Vậy liệu Bộ GD- ĐT có vô can khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng này?
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD- ĐT đã có trao đổi với VOV.VN về vấn đề này.
PV: Thưa ông, liên quan đến vụ sai phạm của ĐH Đông Đô, Bộ GD-ĐT khẳng định chưa cho phép trường ĐH văn bằng 2, nhưng phôi bằng và chỉ tiêu tuyển sinh của trường vẫn được Bộ cấp, phê duyệt, ông có bình luận gì về vấn đề này?
TS Lê Viết Khuyến: Nếu sai phạm chỉ xảy ra ở một vài khóa thì còn có thể nói là do bỏ sót, nhưng sai phạm đã nhiều năm mà Bộ vẫn để sót thì đúng là lạ. Bộ không thể nói không có trách nhiệm trong chuyện này.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), ảnh: Lao động.
Trước đây thời tôi còn làm việc tại Bộ GD-ĐT (12 năm trước), Bộ quản lý hoàn toàn việc cấp phôi bằng đại học. Các trường muốn được cấp phôi bằng phải cung cấp đủ số liệu cần thiết, quyết định mở ngành, chỉ tiêu tuyển sinh, số lượng thí sinh, số lượng sinh viên tốt nghiệp ra sao. Khi có đầy đủ các số liệu thì Vụ Giáo dục đại học mới cấp phôi bằng cho các trường. Quy trình này cho phép Bộ kiểm soát được việc cấp phôi bằng và hoạt động đào tạo của các trường.
Sau này, khi trao quyền in ấn phôi bằng cho các trường đại học, một số trường không tự in được thì về Văn phòng Bộ để mua phôi bằng. Thực chất đây chỉ là hoạt động mua bán thông thường mà không hề có khâu kiểm tra.
Bộ phận Vụ Giáo dục đại học không liên quan đến việc cấp phôi bằng nữa.
Nói là vậy, nhưng cho dù không giám sát việc cấp phôi bằng, thì trong quy trình kiểm soát hoạt động đào tạo các trường Bộ vẫn có thể kiểm tra qua nhiều khâu khác như chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm do Vụ Kế hoạch tài chính làm, hay các khâu kiểm tra khác. Tại Vụ Giáo dục đại học vẫn có chuyên viên theo dõi các trường, vẫn có các đoàn thanh tra của Bộ thường xuyên. Rõ ràng có rất nhiều hoạt động để kiểm tra và phát hiện ra sai phạm của các trường. Để trường gian dối về quyền được đào tạo, cấp văn bằng, gian dối về quy trìn đào tạo với số lượng lớn, nhất định phải có sự bắt tay giữa trường với các cơ quan khác nữa.
Về mặt quản lý Nhà nước cần làm cho rõ chuyện này, nếu không thì sẽ rất nhiều sai phạm không chỉ xảy ra với trường ĐH Đông Đô, mà còn có thể xảy ra với nhiều trường đại học khác.
Về việc quy trình phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường ra sao, trước nay vẫn thuộc thẩm quyền của Vụ Kế hoạch tài chính.
Nhưng nếu làm đúng trách nhiệm thì không thể để xảy ra những sai sót rất lớn như trường hợp của đại học Đông Đô.
PV: Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại ĐH Đông Đô, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về giáo dục ra sao, thưa ông?
TS Lê Viết Khuyến: Tôi được biết năm 2018 Bộ đã có đoàn thanh tra tại ĐH Đông Đô và phát hiện lỗi của trường này, nhưng không hiểu tại sao đến năm 2019 chuyện này mới bung ra?
Tôi cho rằng, lâu nay vẫn có những sơ hở mang tính hệ thống của những người theo dõi công tác tuyển sinh của các trường; kẽ hở do sự phối hợp thiếu thống nhất, chặt chẽ giữa các Vụ trong Bộ với nhau. Nhân sự việc này, Bộ GD-ĐT nên rà soát, kiểm tra lại hoạt động công việc của các vụ từ Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Giáo dục đại học, Văn phòng chịu trách nhiệm cấp phôi bằng, Cục Quản lý chất lượng. Có nhiều bộ phận lâu nay hoạt động rời rạc, kém chất lượng, cần được đánh giá lại.
PV: Sau sự việc này, ông có đề xuất gì với Bộ GD- ĐT nhằm giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của các trường trong cơ chế tự chủ như hiện nay?
TS Lê Viết Khuyến: Sau sự việc này có thể thấy rõ những kẽ hở khá lớn trong công tác quản lý. Bộ GD-ĐT cần rà soát lại các kẽ hở để không còn các trường hợp tương tự ĐH Đông Đô. Nếu có bằng chứng hay bất cứ thông tin tố cáo sai phạm nào về các trường thì cần xử lý nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ cũng cần xem lại những trường nào thực sự chứng minh được có thể tự chủ trong đó có cả việc tự cấp bằng mới cho phép chủ động sản xuất phôi bằng. Những cơ sở nào chưa đảm bảo thì vẫn phải chịu sự giám sát chặt chẽ từ phía Bộ GD-ĐT, không thể thả nổi cho các trường, đây là bài học phải rút kinh nghiệm khi đang triển khai đẩy mạnh quyền tự chủ cho các trường đại học. Tự chủ phải có những bước đi thích hợp, không phải tất cả các trường đều được giao quyền tự chủ đồng loạt như nhau mà phải có các mức độ khác nhau.
PV: Đại học Đông Đô đào tạo “chui", việc này đồng nghĩa với hàng ngàn tấm bằng được cấp không có giá trị? Theo ông cần làm gì để đảm bảo quyền lợi cho người học?
TS Lê Viết Khuyến: Có lẽ đây cũng là vấn đề mà Bộ GD-ĐT đang đau đầu nhất. Sai phạm dẫn tới hàng loạt các hậu quả khác nhau. Tôi cho rằng cần nhanh chóng rà soát lại những người đã được cấp và đang sử dụng văn bằng do ĐH Đông Đô cấp để đảm bảo công bằng và chất lượng.
Theo kinh nghiệm của tôi, với những trường hợp xác định được học viên thông đồng với nhà trường để mua bằng, thì nhất định phải thu hồi.
Còn những trường hợp khác thì cần có sự kiểm tra đánh giá lại. Trước đây Bộ GD-ĐT cũng đã từng xử lý với một số trường hợp bằng cách giao cho 1 cơ sở giáo dục đại học nào đó có thẩm quyền tổ chức thi, đánh giá lại kết quả học tập của các học viên và cấp bằng lại. Như vậy không nhất thiết phải học lại hết, cho dù đào tạo theo cách nào, nhưng kết quả, chất lượng đầu ra vẫn phải ngang nhau thì mới đúng. Đây là cách hỗ trợ cho những người được coi là “nạn nhân” bị trường lừa dối.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN