11
/
78258
Loạn đồng phục, bỏ quên quyền lợi học sinh
loan-dong-phuc-bo-quen-quyen-loi-hoc-sinh
news

Loạn đồng phục, bỏ quên quyền lợi học sinh

Thứ 6, 23/08/2019 | 15:33:54
963 lượt xem

Không thể phủ nhận hình ảnh đẹp của hàng nghìn học sinh mặc đồng phục trong trường học. Tuy nhiên, có trường mỗi năm thay đổi đồng phục một lần, chọn mẫu quá rườm rà phụ huynh khó tự may cho con, hoặc trường thu phí cao nhưng chất lượng vải xấu. Thậm chí, có trường quy định mỗi ngày, học sinh mặc một bộ đồng phục gây bức xúc cho phụ huynh và tâm lý học sinh.

Đồng phục học sinh trước năm học mới: Ngậm đắng!

Loạn đồng phục, bỏ quên quyền lợi học sinh

Quy định một đằng, thực tế một nẻo

  Bộ GD&ĐT quy định, đồng phục phải đảm bảo tính thẩm mỹ, phù hợp lứa tuổi, tiết kiệm. Nhà trường căn cứ vào tình hình khí hậu, thời tiết, điều kiện nhà trường và đặc biệt là sự đồng thuận của cha mẹ học sinh để quy định về kiểu dáng, màu sắc, số ngày mặc đồng phục/tuần. Trường muốn thay đổi kiểu dáng, màu sắc đồng phục phải được sự đồng ý của hội đồng trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Bộ GD&ĐT cũng quy định, phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục.

Trên thực tế hiện nay, đầu năm học đa số các trường đã phối hợp với đơn vị cung ứng đồng phục may sẵn với số lượng lớn để bán cho phụ huynh. Giá sản phẩm cũng rất đa dạng từ dưới 100.000 đồng/ bộ đến 500-700.000 đồng/ bộ. Điều đáng nói, những bộ đồng phục này đều in, thêu lô gô của trường, do đó phụ huynh không dễ tự mua hoặc may cho con.

“Việc may đồng phục phải thực hiện đúng quy định, phù hợp và được sự đồng thuận của phụ huynh. Trường nào lạm dụng để bớt xén, thu tiền cao, trục lợi là không chấp nhận được”.

TS Nguyễn Tùng Lâm,

Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng

Ông Bùi Văn Linh, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ đã quy định rõ, nhà trường chỉ quy định về mẫu, gia đình học sinh sẽ tự mua, may loại tốt hay bình thường phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người.

“Trường nào cùng lúc may 5-6 bộ đồng phục để yêu cầu học sinh thay đổi thường xuyên gây tốn kém, khó khăn cho phụ huynh là không đúng, việc này phải được lên án”, ông Linh nói.

Cũng theo ông Linh, các trường không được thường xuyên thay đổi mẫu mã, khi thay đổi phải có sự đồng thuận của ban đại diện cha mẹ học sinh. Cấm các cơ sở lạm dụng việc mặc đồng phục của học sinh để tổ chức thu giá cao, gây lãng phí, tốn kém. Việc này, các phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT có trách nhiệm giám sát.

Năm học 2019-2020, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã yêu cầu hiệu trưởng các trường, không bắt buộc học sinh phải mua đồng phục mới. 

Đủ loại đồng phục

Ngoài các loại đồng phục của trường, đồng phục lớp, đồng phục thể dục, giờ đây một số trường còn có đồng phục ngủ trưa cho học sinh. Nhiều phụ huynh cho biết, không được tham gia vào việc quyết định mua may các trang phục đồng phục cho các con.

Anh Đinh Viết Luân, từng tham gia Ban đại diện Hội Cha mẹ học sinh một trường THCS tại quận Hà Đông cho hay, anh chỉ nhận được thông báo về giá tiền đồng phục và đóng cho nhà trường như bao phụ huynh khác, chứ không được bàn bạc, quyết định theo quy định.

Khoảng 2 tháng trở lại đây, gia đình chị Hoàng Thanh Phương, trú ở Thanh Trì (Hà Nội) phải thắt chặt chi tiêu, chuẩn bị kinh phí cho hai cậu con trai bước vào năm học mới. Hai vợ chồng làm công nhân, lương ít ỏi nên dịp đầu năm học đồng phục trở thành nỗi ám ảnh của gia đình 4 thành viên. Riêng cậu út vào lớp 1, nhà trường yêu cầu mua 3 bộ đồng phục với giá 250.000 đồng/bộ. Mức giá khá cao, nhưng vì kiểu dáng cầu kỳ, riêng biệt nên chị Phương không thể tìm thấy ở chợ hoặc siêu thị. 

Tương tự, chị Nguyễn Minh Thanh, trú ở quận Thanh Xuân nói: Bộ GD&ĐT quy định không bắt buộc học sinh ngày nào cũng phải mặc đồng phục, nhưng con chị phải mua đến 4 loại đồng phục gồm: Đồng phục đầu tuần, đồng phục mùa hè, đồng phục mùa đông và cả đồng phục… ngủ trưa. Tuy nhiên, ngại va chạm, chị Thanh không cho biết cụ thể trường con chị học.

Phải vì học sinh

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B, quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ, thông thường phải 10 năm trường này mới thay đồng phục một lần vì mẫu cũ, lạc hậu. Khi thay đổi, trường sẽ họp, lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh nhà trường, chọn ra mẫu phù hợp và lựa chọn đơn vị may đo. Trường cũng không yêu cầu học sinh toàn trường bỏ hết đồng phục cũ mà thực hiện cuốn chiếu từng năm, bắt đầu từ lớp 1, để tiết kiệm.
Về hình thức, sau khi chọn mẫu, nhà trường sẽ công khai để phụ huynh tự may hoặc đặt mua ở đơn vị phối hợp với nhà trường. “Cha mẹ học sinh mua bao nhiêu bộ đồng phục là tự nguyện”, bà Yến nói.

Loạn đồng phục, bỏ quên quyền lợi học sinh - ảnh 1Học sinh mặc đồng phục thể hiện tính thẩm mỹ và văn minh

Cũng theo bà Yến, đồng phục thể hiện sự quy củ, nề nếp của học sinh, tuy nhiên, để thực hiện hiệu trưởng cũng phải có tâm, đơn giản hóa và không nên cứng nhắc. Ví dụ, học sinh ở thành phố, phụ huynh có điều kiện mua 3-5 bộ cho con thay đổi nhưng nếu là trường ở vùng nông thôn, vùng khó khăn trường chỉ nên quy định 1 bộ đồng phục trong ngày chào cờ. “Không nên vì một yếu tố nào đó mà quy định đủ loại đồng phục xuân, hè, thu đông, thể dục…hoặc lựa chọn chất vải kém chất lượng, trẻ mặc nóng”, bà Phạm Thị Yến cho hay.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, quy định học sinh mặc đồng phục trong trường học rất văn minh, nhà trường dễ quản lý và có ý nghĩa nhân văn. Bởi vì, ngoài yếu tố thẩm mỹ, mọi học sinh đến trường đều có hình thức giống nhau, không có chuyện con nhà giàu mặc đẹp, con nhà nghèo mặc xấu. “Tuy nhiên, việc may đồng phục phải thực hiện đúng quy định, phù hợp và được sự đồng thuận của phụ huynh. Trường nào lạm dụng để bớt xén, thu tiền cao, trục lợi là không chấp nhận được”, ông Lâm nói.

Quy định về đồng phục của Bộ GD&ĐT ra sao?
Ngày 30/9/2009, Bộ ban hành thông tư quy định về việc mặc đồng phục và lễ phục tốt nghiệp của học sinh, sinh viên (Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT). Thông tư 26 quy định, nhà trường quyết định về mẫu mã, phụ huynh học sinh hoặc ban đại diện cha mẹ học sinh tổ chức việc may hoặc mua đồng phục. Trong các văn bản hướng dẫn đầu năm học, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo. Chẳng hạn, tại Công văn số 5453/BGDĐT-VP ngày 2/10/2014 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục, Bộ GD&ĐT nghiêm cấm: Lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu góp hoặc ép buộc học sinh may (mua) quần áo đồng phục trái quy định; xử lý kỷ luật hiệu trưởng của cơ sở giáo dục để xảy ra hiện tượng nêu trên.

Theo Nguyễn Hà - Võ Hóa/Tiền phong

  • Từ khóa

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
162 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
560 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
640 lượt xem

Bangladesh: Hàng triệu trẻ em gái bỏ học

Giáo dục được coi là chìa khóa để thoát nghèo ở Bangladesh, đặc biệt đối với trẻ em gái.
11:22 - 10/01/2025
734 lượt xem

Chỉ xét tuyển vào lớp 6, liệu có thỏa đáng?

Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực tại một số trường chất lượng cao tại TP HCM được nhận xét là công bằng, giảm áp lực nhưng...
09:08 - 10/01/2025
748 lượt xem