Trong cuộc sống của chúng ta đâu đó, nhiều người nhìn giáo dục nghệ thuật như là rau thơm. Người làm quản lý giáo dục nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng cần tránh cách nhìn nhận giáo dục nghệ thuật chỉ là “môn phụ”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” vừa được Bộ GD&ĐT tổ chức tại Trường ĐHSP Nghệ thuật Trung ương.
Tại hội nghị, bà Vũ Mai Lan, chuyên viên Âm nhạc, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có 816 giáo viên Âm nhạc cấp THCS/624 trường. Trong đó, 40% giáo viên có trình độ ĐH tốt nghiệp ngành sư phạm Âm nhạc; 60% giáo viên được đào tạo trình độ CĐ tốt nghiệp chuyên nghành sư phạm Âm nhạc. Tất cả đều đạt tiêu chuẩn về trình độ và năng lực chuyên môn.
Tuy nhiên, một số trường chỉ có 1 giáo viên dạy 22 đến 25 lớp, kiêm nhiệm thêm công tác tổng phụ trách, tổ chức các hoạt động phong trào âm nhạc trong nhà trường. Còn tại một số trường tại quận trung tâm có đến 4 giáo viên nhạc dạy/40 lớp. Giáo viên dạy nhạc còn kiêm nhiệm thêm công tác Tổng phụ trách, tổ chức phong trào của trường.
Cũng theo bà Lan, bên cạnh ưu điểm năng lực sư phạm tốt, chuyên môn vững, yêu nghề, nhiệt tình trong giảng dạy, tổ chức hoạt động phong trào trong nhà trường, còn một số giáo viên âm nhạc lớn tuổi, tâm lí ngại cập nhật, ngại đổi mới. Một số giáo viên Âm nhạc cùng lúc phải kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau nên chưa có nhiều thời gian tập trung cho việc phát triển năng lực giảng dạy bộ môn...
Ở một số trường học có giáo viên chuyên môn tốt, say nghề, nhưng chưa được sự quan tâm, tạo điều kiện về thiết bị dạy học, cơ sở vật chất của ban giám hiệu do tâm lí coi môn Âm nhạc là môn phụ. Bởi vậy, giáo viên giảng dạy môn Âm nhạc không được phát huy khả năng...
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rất chia sẻ điều này với giáo viên dạy các môn nghệ thuật trong trường học. Theo Bộ trưởng: "Trong giáo dục, có nhiều môn ít được chú trọng vì giáo viên dành nhiều công sức vào giảng dạy cho Toán, Văn, Anh.
Nhưng những môn quan trọng để phát triển toàn diện con người thì chúng ta bỏ quên. Trong bối cảnh hình thành khung phẩm chất năng lực con người thì bậc tiểu học, THCS là thời gian vàng để mỗi người hình thành nhân cách. Tác động của môi trường trong đó có tác động về cái đẹp, nghệ thuật có ảnh hưởng đến nhân sinh quan của mỗi đứa trẻ và làm cho con người nhân văn hơn".
Liên quan đến nội dung này, Bộ trưởng cho rằng, quản lý phải đi trước một bước, từ nhận thức đến cơ chế chính sách và hoạt động triển khai. Nhận thức chưa hợp lý dẫn đến cơ chế chính sách chưa đầy đủ, thậm chí cản trở, thành “nút thắt”.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh muốn có đội ngũ giáo viên âm nhạc, mỹ thuật tốt trước hết cơ sở đào tạo ra giáo viên đó phải tốt,, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật trong trường phổ thông vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập.
Hạn chế đầu tiên, theo Bộ trưởng là chương trình đào tạo chưa thống nhất. Có hiện tượng trường chất lương thấp thì đầu vào “thoáng”, quá trình học dễ đạt điểm cao, dễ ra trường. Trường chất lượng tốt lại khắt khe hơn. Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật phải chuẩn hóa chương trình đào tạo.
Giao Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương làm đầu mối để rà soát các chương trình đào tạo, bám sát vào chuẩn đầu ra về mặt phẩm chất năng lực để từng bước thực hiện. Lưu ý hạn chế tính hàn lâm trong chương trình đào tạo.
Về yêu cầu đầu vào, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu về năng khiếu nghệ thuật và năng khiếu sư phạm. Các trường có thể đề nghị lên Bộ GD&ĐT về tính đặc thù trong nội dung này.
Theo Nghiêm Huê/Tiền phong