“Khối các trường tư thục, tư nhân còn gặp nhiều khó khăn về mặt chính sách, cơ chế hoạt động… dẫn đến tình trạng trường tư không đủ số học sinh nhập trường, trong khi đó trường công lập bị quá tải sĩ số, 60 học sinh/lớp”.
Đó băn khoăn của nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra tại hội thảo “Rào cản phát triển giáo dục tư thục, từ nhận thức đến cơ chế chính sách” do báo Giáo dục Việt Nam tổ chức chiều ngày 20/8.
Tốt nhưng vẫn thiếu học sinh
Theo ông Đào Ngọc Tước, Phó Tổng biên tập báo Giáo dục Việt Nam, Cả nước hiện có 2.955 cơ sở giáo dục tư thục trong bậc học phổ thông, giảng dạy cho hơn 1,3 triệu học, tạo ra việc làm cho gần 100 nghìn giáo viên, người lao động. Nhưng con số đó vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu giáo dục của xã hội.
Đồng thời khối ngành các trường tư thục, tư nhân còn gặp nhiều khó khăn về mặt chính sách, cơ chế hoạt động… dẫn đến tình trạng đầu năm học mới nhiều trường công lập bị quá tải sĩ số, 60 học sinh/lớp, còn trường tư lại không đủ thí sinh nhập trường.
Phát biểu tại hội thảo, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) nói, hiện hệ thống trường có 4 cơ sở trên địa bàn thành phố hoạt động rất hiệu quả với gần 10.000 học sinh ở 3 cấp học phổ thông.
NGƯT Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).
“Tôi xác định kinh doanh giáo dục nhưng tôi không chạy theo lợi nhuận tối đa, điều tôi hướng đến là chất lượng con người sau khi ra trường, tạo ra những thế hệ học trò hoàn thiện cho xã hội. Lĩnh vực kinh doanh giáo dục rất đặc thù vì chúng tôi không có quyền được sai phạm, hỏng hóc, vì hệ quả để lại sẽ rất dài và khó lường trước được”, bà Hiền cho hay.
Tuy nhiên khi bà Hiền muốn mở rộng cơ sở nhằm tăng lên số học sinh, sẽ phải thuê/mua đất với giá rất cao hoặc mua qua dự án khu đô thị đang quy hoạch; nhưng cũng không được vị trí đất vàng thuận lợi về đường đi hay cây xanh để xây dựng trường.
Bà Hiền chia sẻ thêm, mức giá đất trên thị trường được các cơ quan chức năng “hữu nghị” hiện nay là 10 triệu đồng/m2. Trong khi, để xây dựng một trường tư thục chuẩn về quy mô phòng học, sân chơi… cũng phải vài héc-ta đất trở lên mới đủ. Vậy tính ra, cộng chi phí thuê đất và xây dựng trường lên tới hàng trăm tỷ đồng, rất khó cho các nhà đầu tư giáo dục.
Kéo theo đó học phí tăng cao, khó thu hút học sinh, vô tình trở thành một khoản đầu tư đầy rủi ro và lãng phí, trong khi các trường công lập diện tích chật hẹp, cơ sở thiếu thốn lại phải gánh áp lực sĩ số mỗi năm học quá tải.
“Cho nên, tôi mong các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho chúng tôi được mua đất trực tiếp từ Nhà nước với giá ưu đãi, không để tình trạng thiếu đất ảnh hưởng đến làn sóng phát triển trường tư thục chất lượng cao, chia sẻ gánh nặng cho các trường công”, bà Hiền hi vọng.
Trường tư thục “gánh” áp lực sĩ cho trường công
Bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, để giải quyết được rào cản này quan trọng vẫn là nhận thức của người dân đối với giáo dục tư thục hiện nay.
Bên cạnh đó, bà An cho rằng, Quốc hội, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính… cần công khai minh bạch về thuế, giá đất cho trường tư thục thuê, các hỗ trợ đối với trường ra sao, điều kiện ưu tiên giữa các vùng để người dân và dư luận được hiểu rõ ràng, tránh tình trạng “xin cho” không trong sáng trong chuyện tổ chức xây dựng các mô hình giáo dục ngoài công lập.
Đề nghị các cơ quan quản lý của Bộ GD&ĐT cùng Quốc hội mở các cuộc giám sát, đánh giá cụ thể các đơn vị giáo dục trong và ngoài công lập để có một con số cụ thể, rút kinh nghiệm điều chưa tốt, phát huy điểm mạnh. Công khai cho người dân nắm được và tự quyết định cũng như chịu trách nhiệm khi lựa chọn trường cho con theo học.
Ngoài ra, chúng ta cần quy rõ trách nhiệm phát triển giáo dục cho người đứng đầu địa phương, đặc biệt là lãnh đạo tỉnh phải có trách nhiệm với các vấn đề xảy ra thuộc địa giới mình quản lý. Từ đó, giúp tháo gỡ từng phần, chỉnh sửa sai xót và nâng cao được chất lượng giáo dục nước nhà nói chung.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Có mặt tại hội thảo, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ, riêng về lĩnh vực giáo dục tư thục, ngay từ ngày 18/6/2018 tôi từng chất vấn rằng nhiều trường mầm non tư thục chưa được giao đất theo Thông tư 135 của Bộ Tài chính ban ngành 31/12/2008 hoặc giao đất chưa phù hợp với dự án và quy mô của trường học.
“Qua đó, thấy rằng chủ trương của chúng ta đúng, nhưng do các địa phương chưa triệt để và hiểu sai tinh thần ban hành Nghị định”, bà Minh nhấn mạnh thêm.
Do đó, bà Minh cho rằng, cần sớm có những quy chuẩn cụ thể về số lượng các em tuyển sinh mỗi năm, đưa ra mức chuẩn tối thiếu số học sinh/diện tích mặt bằng cơ sở giáo dục. Các trường công lập đừng quá ôm đồm, tham học sinh dẫn đến vượt chỉ tiêu tuyển sinh, quá tải sĩ số trong khi những trường tư thục bên cạnh lại khát học sinh.
Theo bà Minh, giải pháp giúp cân bằng số lượng học sinh cả nước thì các trường công lập cũng nên nhận thức lại, đánh giá số lượng học sinh đúng theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT, số còn dư sẽ thuộc về các trường tư thục một cách công bằng và đảm bảo chất lượng. Điều này đảm bảo tính công bằng và chất lượng giáo dục giải quyết bài toán chênh lệch trường công và trường tư.
Theo Hà Cường/Dân trí