Với 23,1 điểm khối D, cô gái hiến tạng mẹ cho y học - Nguyễn Thị Lương (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vừa trở thành tân sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Ít ai biết rằng, Lương chỉ quyết định ôn thi đại học khi kỳ thi THPT quốc gia chỉ còn chưa đến 2 tháng.
Không hề hối hận vì đã hiến tạng mẹ
Ngôi nhà của 3 chị em mồ côi Nguyễn Thị Sáng, Nguyễn Thị Lương, Nguyễn Ngọc Thùy nằm cuối con đường nhỏ của xóm Liên Thành thuộc làng chài xã Cẩm Nhượng. Từ phía cổng, nhìn ra xa là khu nghĩa trang nơi mẹ các em - bà Nguyễn Thị Liễu yên nghỉ.
Ngôi nhà này vừa được xây dựng nhờ nguồn tài trợ của một đơn vị hảo tâm sau khi biết về hoàn cảnh của các em. Trong ngôi nhà ấy, ngày ngày chỉ có 3 chị em gái không cha, không mẹ sống nương tựa vào nhau. Cô chị cả Nguyễn Thị Sáng năm nay cũng mới 21 tuổi.
Nhấn để phóng to ảnh
3 chị em trong ngôi nhà được xây dựng bởi các nhà hảo tâm ủng hộ tại xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).
Từ ngày mẹ mất, 3 chị em dắt díu nhau về đây, Sáng chưa tìm được công việc nên ở nhà chăm sóc cho các em, nhất là cô em gái út Nguyễn Ngọc Thùy gần 4 tuổi. Mất mẹ từ khi mới hơn 1 tuổi, có lẽ chính vì vậy Thùy cũng ít nhõng nhẽo hơn. Khi các chị bận, người bạn trò chuyện của em là chú voi bằng bông. Chơi chán, Thùy lại trèo lên thanh cửa trông ra xa xa phía nghĩa trang. Giọng cháu ngọng nghịu, hồn nhiên mà thương đến lạ: “Các chị cháu nói, mẹ Liễu ở ngoài kia đó, mà không chịu về chơi với cháu đâu”.
Nụ cười hồn nhiên của cô em gái út Nguyễn Ngọc Thùy.
Nghe em gái nói, Lương cúi đầu rơm rớm nước mắt. 2 năm qua, cô em út không còn rõ mặt mẹ nhưng vẫn luôn nhắc đến mẹ trong mỗi câu chuyện của mình. “Mỗi lúc bị các chị mắng, em đều nói sẽ mách mẹ. Nhưng thương nhất là mỗi lần đón Thùy đi mẫu giáo về, nhìn các bạn được bố mẹ đưa đón, Thùy hay khóc đòi mẹ đón lắm”, giọng Lương nghẹn lại.
Mẹ của các em là bà Nguyễn Thị Liễu (SN 1976) trong một lần đi qua đường bị tai nạn chấn thương sọ não và được các bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh chẩn đoán là sẽ không qua khỏi.
Trong những ngày ở bệnh viện Chợ Rẫy chăm mẹ, Lương và chị gái tình cờ xem trên ti vi chương trình “Những mảnh ghép cuộc sống”, nói về việc ghép não, hiến xác, hiến tạng và các bộ phận cơ thể của người chết để cứu người sống”.
Sau khi xem chương trình, hai chị em đã có suy nghĩ rằng nếu không thể cứu được mẹ nữa thì sẽ hiến tạng mẹ em cho những ai cần.
Nhớ lại giây phút quyết định hiến tạng mẹ, Lương kể: “Chưa bao giờ bọn em hối hận vì quyết định này. Khi đó bọn em nghĩ rằng việc hiến tạng sẽ bớt đi một gia đình phải chịu nỗi đau như chúng em và hy vọng thêm một người sẽ ở lại bên gia đình của họ.”
Bé Thùy thường trèo lên thanh cửa trông ra xa xa phía nghĩa trang nơi mẹ em yên nghỉ.
Hai năm qua, nỗi đau mất mẹ vẫn luôn khắc khoải trong tâm trí 3 chị em gái côi cút. Nhưng vượt lên hoàn cảnh, các em vẫn không ngừng nỗ lực tiến về phía trước.
Trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, em Nguyễn Thị Lương đã xuất sắc giành 23,1 điểm (trong đó Văn 8; Toán 7,5 và tiếng Anh được 7,6 điểm).
Để làm được điều đó, bản thân Lương đã không ngừng cố gắng vượt lên hoàn cảnh và chính bản thân mình.
Muốn học để thay đổi cuộc đời
Lương sinh ra và lớn lên ở Đắk Nông, học hết lớp 10, Lương phải theo mẹ và chị vào Bình Dương ở phòng trọ trông em cho mẹ đi làm. Những lúc rảnh, em đi phụ rửa bát thuê cho các nhà hàng, quán ăn. Hoàn cảnh khó khăn, nhưng trong nhiều năm qua Lương luôn đạt học lực khá giỏi, được học lớp chọn.
Em Nguyễn Thị Lương vừa đạt 23,1 điểm khối D tại kỳ thi tuyển sinh 2019. Lương mơ ước sẽ trở thành một người phiên dịch.
Sau khi mẹ mất, 3 chị em quyết định về quê mẹ sinh sống. Lương và Sáng cũng nghỉ học từ đó. Về quê mẹ, được sự động viên, hỗ trợ của thầy cô Lương chọn đi học lại dù muộn hơn bạn bè cùng trang lứa 1 năm. 2 năm học cuối cấp, Lương đều đạt điểm tổng kết trên 8,0.
Lương tâm sự: “Em chưa bao giờ nghĩ sẽ thi Đại học mà chỉ muốn học xong đi làm ngay để phụ giúp chị gái nuôi em. Chỉ đến khi còn vài tháng nữa thi Đại học, em nghĩ rằng nếu cuộc đời mình chỉ làm công nhân thì không thể thay đổi được số phận. Em muốn cho bản thân cơ hội để thay đổi cuộc đời mình”.
Trong thời gian ôn thi, Lương chủ yếu tự ôn tập. Trên lớp, em nắm bắt kiến thức cơ bản và ôn luyện thật nhiều ở nhà. Gia đình không có máy tính, nguồn tài liệu của Lương chủ yếu từ chiếc điện thoại cảm ứng được cậu cho. Chiếc điện thoại đã cũ và mờ, nhiều đêm ôn tập, mắt của em cũng mờ nhoẹt đi vì căng mắt tìm tài liệu.
Do quyết định thi muộn nên mỗi ngày em dành khoảng 8 -10 tiếng để ôn luyện ở nhà. Gần sát ngày thi, nhiều đêm liền em toàn ngủ trên bàn học, vì sợ ngủ trên giường sẽ không dậy nổi để học bài.
Chia sẻ về việc chọn vào khoa tiếng Trung của trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, Lương cho biết ước mơ của em muốn trở thành một thông dịch viên. Một phần, chị gái em là Nguyễn Thị Sáng cũng rất thích tiếng Trung nhưng không có điều kiện đi học. Em muốn đi học để về có thể bày lại cho chị.
Do hoàn cảnh éo le, vừa học xong 12, mẹ bị mất trong vụ tai nạn, Sáng phải nghỉ học. Bao nhiêu ước mơ dự định suốt 12 năm học của cô chị cả Nguyễn Thị Sáng đành gác lại.
Những tập giấy vẽ tranh và luyện viết tiếng Trung của Sáng.
Trong căn nhà, nhiều tập giấy vở được viết bằng tiếng Trung đang được viết dang dở và có cả những bức ảnh được vẽ bằng chì than rất đẹp. Sáng cúi đầu lí nhí: “Em rất thích vẽ, em từng mơ ước được đi học vẽ nhưng hoàn cảnh không cho phép em chỉ tự nhìn rồi vẽ theo thôi.” Nói rồi em lặng lẽ xếp lại những xấp giấy trên chiếc bàn nhỏ.
Sau khi trường các trường Đại học công bố điểm chuẩn, với số điểm của mình Lương đã trở thành tân sinh viên trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng. Con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng Lương tự tin: “Em định vừa học vừa làm để trang trải chi phí cho việc học. Em sẽ học hành thật chăm chỉ để thay đổi cuộc sống của mình”.
Theo Phượng Vũ - Sao La/Dân trí