Việc lựa chọn trường công hay trường tư cho con là mối bận tâm của nhiều phụ huynh. Tuy nhiên, thay vì tìm hiểu chương trình, giáo viên, chất lượng, nhiều người lại chỉ nhìn bề ngoài và tin vào những lời quảng cáo có cánh từ phía nhà trường.
Việc lựa chọn trường công hay trường tư cho con là mối bận tâm của nhiều phụ huynh
Hiệu trưởng một trường THCS & THPT ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng, trong khi trường công có lợi thế về giáo viên, học phí rẻ nhưng ngoại ngữ chưa đáp ứng, chưa có thời gian dạy các kỹ năng thì các trường ngoài công lập đáp ứng được điều này.
Thậm chí, nhiều trường có bể bơi, nhà ăn, phòng ngủ, xe đưa đón tận nhà học sinh…là những yếu tố hút phụ huynh nên nhiều người dù chưa tìm hiểu kỹ về chất lượng đào tạo đã sẵn sàng bỏ nhiều tiền đầu tư cho con. Hiện nay một số trường lợi dụng kẻ hở quy định pháp luật để kinh doanh giáo dục, trục lợi. Ngoài lợi thế cơ sở vật chất thì thường có đội ngũ giáo viên cơ hữu không ổn định.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, hiện nhiều trường chỉ tăng cường thêm tiếng Anh hoặc dạy Toán và các môn Khoa học bằng tiếng Anh và gọi đó là trường “quốc tế”. Họ thu học phí lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Những học sinh học trường mạo danh quốc tế này nhiều em không thi đỗ đại học, điểm kém trong kỳ thi vượt cấp lên THPT của Hà Nội là điều không ngạc nhiên vì phương thức dạy học của các trường này. Vì thế, đa số phụ huynh xác định cho con học trường quốc tế là để có ngoại ngữ đi học nước ngoài; nếu chuyển đổi môi trường giữa cấp, học sinh sẽ vô cùng khó khăn.
Loạn học phí
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, đến cuối năm 2018 trên địa bàn chỉ có 7 trường quốc tế, thời điểm này đã tăng lên 4 trường là 11, trong đó có trường có 2 cơ sở. Bộ GD&ĐT cũng cấp phép hoạt động 2 trường. Còn những trường quốc tế chính thống còn lại được phân cấp xuống Sở GD&ĐT quản lý. Ngoài 11 trường đó, những trường còn lại gắn mác “quốc tế” cần phải được xem xét lại vì thuộc 2 đối tượng: 1 là trường tự xưng hai là đã được cơ quan quản lý cấp phép sai quy định.
Một lãnh đạo sở GD&ĐT cũng thông tin, riêng về vấn đề học phí là do thoả thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Trường đưa ra mức phí công khai và phụ huynh “thuận mua vừa bán”. Khi phê duyệt hay báo cáo, cơ quan nhà nước không có hành lang pháp lý cũng như quy định nào để phê duyệt trường này chỉ được thu học phí ở mức nào. Vì thế, trường đáng 500 triệu họ thu 1 tỷ/ năm cũng chẳng sao, miễn là phụ huynh có chấp nhận mức phí đó không. Lãnh đạo Sở đưa ra lời khuyên, phụ huynh hãy thông minh, tỉnh táo để lựa chọn, tìm hiểu kỹ về chương trình, giáo viên, chất lượng đầu ra, học phí và so sánh các tiêu chí đó giữa các trường để chọn lựa.
Đối với mức thu “trên trời” của những trường tự cho mình là “quốc tế”, một chuyên gia cho hay, quy định hiện hành đối với trường ngoài công lập theo nguyên tắc thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh. Nhưng cũng phải có hành lang pháp lý cụ thể, không phải cứ gắn mác chất lượng cao hay quốc tế là thu học phí trên trời. Đây là một khoảng trống trong quản lý.
Theo vị chuyên gia này, tự gắn mác “quốc tế” gây ra ngộ nhận của xã hội, thu học phí cao còn ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh. Trong trường hợp niềm tin không đặt đúng chỗ, sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. “Sản phẩm của các công ty mà người tiêu dùng mua nhầm có thể trả lại hoặc không mua nữa nhưng giáo dục mà mua nhầm thì hỏng cả con người, hỏng cả một lứa học sinh. Dịch vụ an sinh như giáo dục, y tế không ai hỏi giá hay trả giá. Do đó, vai trò của cơ quan quản lý phải nhiều hơn những lĩnh vực khác. Vì ở đây có tính áp đặt một chiều” - Vị chuyên gia này nói.
Theo quy trình, để thành lập một trường tư thục, đơn vị phải gửi hồ sơ lên Phòng GD&ĐT, sau khi thẩm định hồ sơ năng lực đầy đủ, đơn vị sẽ phối hợp UBND Quận thành lập đoàn kiểm tra tất cả các điều kiện. Tên trường, mức học phí cũng sẽ được trình trong hồ sơ. Khi đáp ứng đủ các điều kiện, UBND Quận sẽ ra quyết định thành lập trường.
Tuy nhiên, trưởng một Phòng GD&ĐT cho rằng, tất cả các trường quốc tế thuộc thẩm quyền của Sở GD&ĐT. Khi doanh nghiệp đứng ra trình hồ sơ và đăng ký mở trường với cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ đề xuất phương án tên. Nếu tên đó được phê duyệt thì trường sẽ đương nhiên sử dụng tên đó. Còn nếu không được phê duyệt mà trường gắn thêm từ “quốc tế” để loè phụ huynh là sai. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định, các trường có yếu tố nước ngoài không được gọi là trường quốc tế.
Trong thời gian tới Hà Nội sẽ rà soát, công bố danh tính các trường quốc tế và trường có yếu tố nước ngoài để toàn thể nhân dân, cha mẹ học sinh biết được và có cơ sở chọn lựa. Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội nhìn nhận, cần phải có chế tài xử phạt và luật hoá tên trường.
Theo Nguyễn Hà - Nghiêm Huê/Tiền phong