Đầu năm học nào Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành các văn bản yêu cầu các trường, địa phương thực hiện đúng quy định về các khoản thu đầu năm. Tại nhiều địa phương, các phương án ngăn chặn lạm thu cũng được thúc đẩy với hy vọng có thể hạn chế được các trường hợp vi phạm.
Ảnh minh họa: T.L
Gần đây nhất, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành văn bản hướng dẫn các trường trên địa bàn thành phố về công tác tăng cường quản lí thu chi năm học 2019-2020, trong đó đặc biệt lưu ý 7 khoản tiền Ban đại diện cha mẹ học sinh không được phép thu.
Đồng thời, Sở này cũng đề nghị kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, cần thực hiện theo quy định tại điều 10 thông tư 55 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu 7 khoản, bao gồm: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; Khen thưởng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường; Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên nhà trường; Hỗ trợ công tác quản lí, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; Sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp cũng nhanh chóng ban hành văn bản yêu cầu các khoản thu phải được trực tiếp Hiệu trưởng trường triển khai và công khai rộng rãi, phân biệt rõ khoản thu theo quy định, đóng góp tự nguyện, thỏa thuận, thu hộ…
Cụ thể, các khoản thu thỏa thuận phải lập dự toán thu, chi rõ ràng, chi tiết; có văn bản thỏa thuận thống nhất giữa nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh trường sau khi được sự đồng thuận từ cha mẹ học sinh các lớp, phiên họp hội đồng trường...; Tổ chức thu các khoản thu thực hiện tại bộ phận tài vụ; không giao cho giáo viên dạy lớp thu các khoản thu từ học sinh, cha mẹ học sinh, các tổ chức, cá nhân...
Các trường có thể quy định “mở” về thời điểm thu, không gộp các khoản thu và đóng góp tập trung vào đầu năm để không gây khó khăn cho CMHS. Đồng thời Sở này cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị thông báo và niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để người dân biết, phản ánh thông tin trong thời gian 3 tháng đầu năm học.
Còn tại TP.Hồ Chính Minh, ngoài việc đề xuất không tăng mức thu học phí năm 2018-2019 để thực hiện cho năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Hồ Chí Minh còn kiến nghị các cơ quan ban ngành liên quan phối hợp để hướng dẫn, quy định một số hoạt động đòi hỏi chi phí ngoài các phần ngân sách được cấp như mức thu học 2 buổi/ngày, tổ chức lớp học ngoại ngữ, tin học, tổ chức bán trú…
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GDĐT) Trần Tú Khánh cho rằng, thực tế đa phần cha mẹ học sinh đều muốn nâng cao điều kiện cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, cũng có những gia đình điều kiện kinh tế còn hạn hẹp nên việc huy động xã hội hóa theo cách cào bằng dễ dẫn tới những băn khoăn, dù là tự nguyện. Từ đó, ông Khánh đề xuất nếu “lãnh đạo nhà trường vi phạm, lạm thu, không thực hiện đúng chủ trương xã hội hóa giáo dục, gây bức xúc, khiếu nại trong phụ huynh thì phải xử lý kỷ luật nghiêm” – ông Khánh nói.
Theo Đức Thành/Lao động