Nhiều năm nay, mỗi đầu năm học, trong khi học sinh háo hức tựu trường cũng là lúc cha mẹ học sinh lao đao lo lắng các khoản đóng góp. Với các gia đình có điều kiện kinh tế, các khoản đóng vài triệu đồng đôi khi “xuề xòa” chấp nhận, song với đại đa số các gia đình khác, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các khoản đóng đầu năm học thực sự là gánh nặng.
Ảnh minh họa: ĐAN
Làm cách nào để đối phó với nạn lạm thu đầu năm? Báo Lao Động đã thử đi tìm lời giải.
Hàng loạt vụ xử lý kỷ luật, thậm chí có hiệu trưởng đã phải nhận án tù vì các hành vi sai phạm liên quan tới quản lý tài chính, trong đó có cả nguyên nhân bắt nguồn từ các khoản lạm thu. Đó chính là những tấm gương “tày liếp” mà lãnh đạo các trường cần phải nhìn vào để “chùn tay” khi có ý định phê duyệt các khoản thu, kể cả lách bằng con đường “đóng góp tự nguyện” thông qua Hội Cha mẹ học sinh hoặc “xã hội hóa”.
Lạm thu, chi bừa phứa, Hiệu trưởng bị xử tù
Cuối tháng 7.2019, bà Lê Thị Thu Thủy - cựu Hiệu trưởng trường Tiểu học Đặng Cương (Hải Phòng) đã bị Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 356 Bộ luật Hình sự.
Theo cáo trạng, trong các năm học từ 2015 – 2017, đầu mỗi kỳ học bà Thủy đã chỉ đạo thu nhiều khoản đóng góp trái quy định hoặc chưa được cơ quan quản lý phê duyệt từ cha mẹ học sinh. Tổng số tiền thu được lên tới 6,7 tỉ đồng đã bị biến hóa để sử dụng vào nhiều mục đích, trong đó, có những khoản không được hạch toán, không được nộp vào tài khoản nhà trường.
Ở nhiều địa phương khác, tình trạng lạm thu đầu năm cũng diễn ra khá phổ biến và biến tướng bằng rất nhiều phương thức mà mục đích cuối cùng vẫn là tăng thu cho nhà trường. Điển hình như tại tỉnh Thanh Hóa, Trường Tiểu học Hoàng Giang (huyện Nông Cống) thu hàng trăm triệu tiền học buổi 2 không đúng quy định; hay như trường “hợp tận thu” cả học sinh thuộc diện hộ nghèo, hưởng chính sách dân tộc tại Trường Tiểu học 2 Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời - Cà Mau)... Sau đó, Hiệu trưởng các trường này đều phải đối mặt với các hình thức kỷ luật.
Tại các thành phố lớn, chuyện lạm thu đầu năm còn nghiêm trọng hơn. Đơn cử như Hà Nội, hồi cuối năm 2018, Ban Văn hóa – Xã hội thuộc HĐND thành phố cho biết hàng loạt cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn đã tự ý đặt ra những khoản thu trái quy định như: thu tiền túi kiểm tra, photo tài liệu, tiền vệ sinh, thu tiền để mua bàn ghế, tiền trái tuyến, thu tiền xã hội hóa điều hòa và thiết bị giảng dạy…
Bị “ép” thu sai
Điểm qua hàng loạt cơ sở giáo dục và địa phương tiêu biểu cho những vi phạm trong công tác thu chi đầu năm học để thấy rằng, lạm thu đã trở thành vấn nạn phổ biến tại hầu hết các địa phương trên cả nước chứ không chỉ còn là hiện tượng. Song thực tế nhiều quy định không còn phù hợp và cần sửa đổi.
PGS – TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT khi trao đổi với PV Báo Lao Động cho rằng “khi nguồn kinh phí ngân sách cấp không đủ, lại cấm nhà trường thu thì không khác gì “trói tay” nhà trường. Vấn đề ở đây phải là minh bạch, công khai các khoản thu để công tác xã hội hóa thực sự vì lợi ích của học sinh”.
Ngay trong báo cáo của Ban Văn hóa – Xã hội (HĐND thành phố Hà Nội) cũng nhận định: “Một số vấn đề phát sinh cần được quy định, bổ sung cụ thể. Xuất phát từ nhu cầu thực tế phát sinh một số khoản thu khác chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể”.
Đôi khi, các trường cũng bị chính cấp trên “ép” ở thế khó, không thu không được dù biết làm sai. Ví dụ như trường hợp các trường ở tỉnh Hà Tĩnh bị cấp trên “ép” nhờ thu tiền xây dựng cuối năm học 2018 - 2019 vừa qua với các mức theo từng nhóm lớp từ vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu đồng mỗi em học sinh.
Dù biết các khoản thu này là không đúng quy định song các địa phương vẫn tìm cách "lách luật". Nếu không có hình thức ngăn chặn, các trường sẽ ở thế “trên đe dưới búa”, làm chắc chắn sẽ sai nhưng không làm thì “chống đối chỉ đạo của cấp trên” - một Hiệu trưởng chia sẻ.
Theo Đức Thành/Lao động