Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng ông chưa thật sự yên tâm về việc ngăn chặn tình trạng bạo lực, bạo hành đối với trẻ mầm non dù năm học vừa qua chỉ có 3 vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát hiện, phanh phui.
Bộ trưởng GD-ĐT đã bày tỏ ý kiến trên tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 đối với giáo dục mầm non diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vào hôm qua 9/8.
Nhiều “điểm nhấn” đối với giáo dục mầm non
Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng năm học 2018-2019, kết quả của bậc học mầm non có nhiều điểm nhấn. Cụ thể, trong năm học vừa qua là việc Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, với nhiều nội dung quan trọng với cấp học mầm non, đặc biệt là nâng chuẩn giáo viên mầm non, từ trung cấp lên cao đẳng và cao hơn. Đây là bước đột phá, có cơ hội rất tốt cho thầy cô có các điều kiện tốt hơn, đặc biệt là chế độ đãi ngộ.
Ngoài ra, còn có nhiều các chính sách, quy định khác được ban hành tạo điều kiện cho giáo dục mầm non phát triển, trong đó có chính sách phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; chế độ đối với giáo viên, học sinh vùng khó khăn.
Bộ trưởng GD-ĐT: “Chưa yên tâm về việc ngăn chặn bạo hành đối với trẻ mầm non”
Năm học vừa qua, công tác rà soát, dồn dịch mạng lưới trường lớp được nhiều địa phương làm tốt, giúp giảm điểm lẻ, tăng các chỉ số về cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non.
Đã có nhiều cố gắng để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên mầm non. Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên.
Chất lượng giáo dục mầm non cũng được nâng lên, trong đó nhiều trường, nhiều địa phương đã triển khai thực hiện tốt chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”.
Vẫn còn bạo hành trẻ cùng nhiều vấn đề khác
Tuy nhiên, đối với mạng lưới trường lớp, nhiều địa phương tiếp tục dồn dịch cơ học, tình trạng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tư thục độc lập còn rất nhiều. Theo thống kê chúng ta có 15.600 các nhóm lớp này, trong đó có từ 1.600-1.700 nhóm lớp này không có phép.
Đây là một trong những điểm yếu, có thể nói là vùng trũng của giáo dục mầm non. “Bạo hành trẻ cũng từ đây mà ra, chất lượng giáo dục trẻ không đạt yêu cầu cũng từ đây mà ra”, Bộ trưởng GD-ĐT nói.
Nhiều địa phương chưa thực sự tuyển đủ biên chế theo quy định, có chỉ tiêu nhưng vẫn để hợp đồng và định biên đứng lớp thấp, thậm chí 1,3-1,4 so với quy định 2,2 giáo viên/lớp.
Nhiều địa phương dồn trẻ các điểm trường nên lớp học rất đông, thậm chí có những lớp lên tới 50 cháu/lớp.
Bộ trưởng GD-ĐT cho rằng ở đâu đó vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn bạo hành trẻ mầm non
Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh việc lên án đối với hành vi bạo hành trẻ mầm non. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số nhóm trẻ mẫu giáo tư thục độc lập không đủ điều kiện đảm bảo, cộng với giáo viên có thu nhập thấp, áp lực công việc có khi đến 10 tiếng/ngày...
“Năm vừa rồi so với năm trước, theo thống kê thì đối với mầm non yên bình hơn có khoảng 3 vụ, còn năm trước nữa thì có 9 vụ, có một sự giảm đáng kể. Nhưng báo cáo thật với các thầy cô, nếu như rà soát kỹ thì không phải chỉ 3 vụ đâu, 3 vụ là do báo chí phát hiện và phân phui ra thôi”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng GD-ĐT, hiện nay cả nước có khoảng 5,5 triệu trẻ mầm non, với hơn 350.000 giáo viên mầm non trên toàn quốc thì chuyện bạo hành trẻ ở các mức độ khác nhau không phải là hiếm, vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn.
“Tất nhiên phải có số liệu thống kê nhưng chúng ta đừng vì 3 vụ mà cho rằng bạo lực giảm đến mức độ yên tâm. Cá nhân tôi thì tôi chưa thấy yên tâm về bạo lực đối với trẻ”, Bộ trưởng GD-ĐT nhấn mạnh thêm.
Theo Hải Đăng/Dân trí