11
/
77560
Điểm chuẩn nhiều trường tăng hơn dự báo
diem-chuan-nhieu-truong-tang-hon-du-bao
news

Điểm chuẩn nhiều trường tăng hơn dự báo

Thứ 6, 09/08/2019 | 11:07:18
901 lượt xem

Từ 17h ngày 8-8, hàng loạt trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn, phần lớn đều tăng so với dự báo và so với năm 2018.

Điểm chuẩn nhiều trường tăng hơn dự báo - Ảnh 1.

Các trường ĐH nhận biên bản xác nhận kết quả xét tuyển và điểm trúng tuyển ĐH-CĐ năm 2019 tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Do trường công bố mức sàn khá cao nên sau quá trình lọc ảo, hiện tại có hai ngành công nghệ vật liệu dệt may và ngành kỹ thuật nữ công chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu. Chúng tôi quyết định không tuyển bổ sung.

PGS.TS ĐỖ VĂN DŨNG (hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

Hôm nay, các trường đại học còn lại tiếp tục công bố điểm chuẩn theo lịch trình Bộ GD-ĐT đã ấn định.

Miền Bắc: có ngành tăng hơn 5 điểm

TS Phạm Thu Hương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, cho biết ngành có mức điểm xét tuyển cao nhất của trường này năm nay là kinh tế đối ngoại, thương mại quốc tế theo tổ hợp A00 với 27 điểm. 

Nhóm ngành kinh tế, kinh tế quốc tế và luật có mức 26,2 điểm. Các ngành của Trường ĐH Ngoại thương có mức điểm chuẩn tăng từ 1,5 đến trên 2 điểm so với năm 2018.

Theo PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường tăng 2 - 2,5 điểm so với năm trước. Trong đó ngành khoa học máy tính có mức điểm cao nhất là 27,42, không có ngành nào có điểm chuẩn dưới 20 điểm. 

"Một số ngành truyền thống có cơ hội việc làm, cơ hội học tiếp lên rất tốt các năm trước lại không thu hút người học, nhưng năm nay rất mừng là đều có mức điểm chuẩn tăng như ngành nhiệt lạnh, vật lý kỹ thuật, khoa học vật liệu (22,2 điểm)" - ông Trần Văn Tớp nói.

Một trong những trường có mức điểm chuẩn tăng mạnh nhất ở miền Bắc là Trường ĐH Thương mại. GS Đinh Văn Sơn, hiệu trưởng trường, cho hay có những ngành tăng 5 điểm, một số ngành tăng 2 - 2,5 điểm.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân có những ngành điểm chuẩn lên tới 25, 26 điểm. So sánh ở nhóm điểm cao thì điểm chuẩn Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng tăng trên dưới 2 điểm so với năm 2018. 

Với Trường ĐH Y Hà Nội, ngành bác sĩ y khoa có mức điểm chuẩn 26,75, răng hàm mặt 26,3 điểm, các ngành khác dao động 19,9 - 21 điểm. Đúng như dự đoán của GS.TS Nguyễn Hữu Tú, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, trước đó, điểm chuẩn tăng nhẹ so với năm 2018.

"Phổ điểm thi năm nay hợp lý, thuận lợi cho các trường trong việc xét tuyển" - PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhận xét. Với dữ liệu điểm năm nay, nhiều trường lớn cho biết phải sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển. 

Một số trường tại nhóm xét tuyển phía Bắc trong chiều 8-8 cho biết dự kiến tuyển 103 - 108% chỉ tiêu. Phần lớn đại diện các trường đánh giá với phương thức xét tuyển đã ổn định, hi vọng đợt xét tuyển năm nay "yên ả" hơn.

Điểm chuẩn nhiều trường tăng hơn dự báo - Ảnh 3.

Thí sinh Châu Đại Dương - học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, Q.10, TP.HCM - xem điểm chuẩn các trường ĐH công bố chiều 8-8 trên Tuổi Trẻ Online - Ảnh: N.HÙNG

Miền Nam: khối ngành kinh tế điểm khá cao

Đáng chú ý, điểm chuẩn của các trường đào tạo khối ngành kinh tế ở phía Nam đều tăng mạnh. Tại Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), điểm trung bình trúng tuyển vào trường là 24,13, trong đó điểm trung bình trúng tuyển khối ngành kinh tế là 24,02, khối ngành kinh doanh và quản lý 24,38 điểm và khối ngành luật là 23,51 điểm. 

Theo ThS Nguyễn Hải Trường An - giám đốc Trung tâm truyền thông và tư vấn tuyển sinh nhà trường, điểm chuẩn năm nay tăng cao hơn dự báo trước đó, từ 1,6 đến 4,1 điểm so với năm 2018. Điểm trúng tuyển cao nhất là 25,7 đối với ngành kinh tế quốc tế, chương trình kinh tế đối ngoại. 

"Theo thống kê, có 12.197 thí sinh với 21.690 nguyện vọng đăng ký vào trường theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia. Trong đó 895 thí sinh có tổng điểm từ 24 trúng tuyển" - bà An cho biết thêm.

Tương tự, điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng tăng khá cao, với ngành thấp nhất là 21,6 điểm. Ngành có điểm chuẩn cao nhất lên đến 25,1 điểm là ngành kinh doanh quốc tế. 

ThS Nguyễn Văn Đương - phó trưởng phòng quản lý đào tạo nhà trường - cho biết: "Điểm chuẩn của trường tăng ngoài dự báo của chúng tôi, với mức tăng hơn 3 điểm trở lên so với năm ngoái. Chúng tôi gọi nhập học cao hơn số chỉ tiêu một ít để dự phòng số thí sinh trúng tuyển không nhập học, nếu gọi đúng chỉ tiêu thì điểm chuẩn còn cao hơn nữa". 

Đáng chú ý, theo ông Đương, điểm vào những ngành "hot" của trường năm nay có tăng nhưng không đáng kể, trong khi các ngành khó tuyển như toán kinh tế, thống kê kinh tế, quản lý công... lại có điểm chuẩn khá cao.

Tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, ngoại trừ các ngành thuộc chương trình ĐH chính quy quốc tế song bằng có điểm chuẩn tương đối thấp 15,56, các ngành còn lại đều ở mức khá cao, từ 21,2 điểm trở lên. Trong đó ngành kinh tế - quốc tế có điểm trúng tuyển cao nhất 22,8, còn điểm trúng tuyển chương trình cử nhân chất lượng cao là 20,15. 

Theo TS Phan Ngọc Minh - trưởng phòng đào tạo nhà trường, mức điểm chuẩn trên có tăng so với mặt bằng điểm của năm ngoái khoảng 1,5 - 2 điểm. Riêng chương trình ĐH chính quy quốc tế song bằng do lần đầu tiên trường triển khai nên thí sinh chưa biết đến nhiều, do đó điểm trúng tuyển thấp hơn.

Trong số các trường phía Nam công bố điểm chuẩn hôm qua 8-8, ấn tượng nhất có thể kể đến là Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM với mức tăng so với năm ngoái từ 0,5 - 3 điểm. Đây là một trong số trường công bố điểm sàn cao và có ngành điểm sàn cao nhất nước. 

Nhìn chung, điểm chuẩn của trường năm nay tăng khá cao so với năm trước. Điểm trúng tuyển thấp nhất của trường năm nay là 17 (ngành công nghệ kỹ thuật môi trường hệ chất lượng cao tiếng Việt, đây là ngành khó tuyển của trường trong nhiều năm qua) và cao nhất lên đến 25,2 điểm ở ngành robot và trí tuệ nhân tạo (hệ đại trà).

Điểm chuẩn năm nay của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cao nhất là 21,25 đối với ngành thú y và ngôn ngữ Anh. So với năm ngoái, điểm chuẩn của trường năm nay có nhích nhẹ 1-2 điểm ở một số ngành là các ngành hot. Tuy nhiên, nhiều ngành điểm vẫn còn tương đối thấp so với mặt bằng điểm chung của các trường khác với mức 15 - 16 điểm. 

Tương tự, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM với điểm chuẩn thấp nhất là 17 và cao nhất là 21,5. Trong khi đó, mặt bằng điểm chuẩn của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM công bố tương đối thấp, trong đó có nhiều ngành điểm trúng tuyển chỉ ở mức 14. Ngành khai thác vận tải có điểm chuẩn cao nhất là 23,1 (chương trình đào tạo đại trà) và 22,8 (chương trình đào tạo chất lượng cao).

Các phương thức xét tuyển đều có ngưỡng đảm bảo chất lượng

Đánh giá về tình hình xét tuyển năm nay, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT - cho biết bộ ủng hộ việc duy trì của các nhóm xét tuyển chung phía Bắc và phía Nam. "Nhóm có thỏa thuận chung để các thành viên thống nhất thực hiện, có kế hoạch đồng bộ với kế hoạch xét tuyển của cả nước, phù hợp với quy chế tuyển sinh hiện hành. Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai trò hỗ trợ kỹ thuật và giám sát thực hiện quy chế tuyển sinh của các trường nói riêng và hai nhóm xét tuyển nói chung" - bà Phụng nhận xét.

Chia sẻ về băn khoăn khi có những trường có tới 3-4 phương thức tuyển sinh khác nhau, có thể dẫn tới chất lượng không đồng đều giữa các phương thức xét tuyển, bà Phụng nói: "Đối với trường sử dụng phương án tuyển sinh riêng thì chính sách đảm bảo chất lượng đầu vào phải được ghi trong đề án tuyển sinh.

Đối với ngành được quy định phải có điểm sàn, nếu sử dụng hình thức xét tuyển kết hợp, có sử dụng 1 hoặc 2 điểm thi THPT quốc gia thì sàn của điểm thi đó là mức trung bình cộng của điểm sàn chung đối với mỗi môn. Như vậy, hầu hết phương thức xét tuyển đều có quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng, phù hợp với từng phương thức".


Hôm nay, nhiều trường ĐH lớn tiếp tục công bố điểm

Hôm nay 9-8, các trường ĐH còn lại, trong đó có các trường lớn như ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Y dược TP.HCM, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ĐH Sư phạm TP.HCM... sẽ tiếp tục công bố điểm chuẩn. Tối qua, chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho hay điểm chuẩn các ngành của trường đều tăng cao, có ngành hơn 2 điểm.

Theo Vĩnh Hà - Trần Huỳnh/Tuổi trẻ

  • Từ khóa

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học: Bổ sung nhiều điểm mới

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học được Bộ GD&ĐT đăng tải công khai, lấy ý kiến rộng rãi.
09:10 - 11/01/2025
108 lượt xem

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải việc thi lớp 10 không 'chốt cứng' 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu quy định thi lớp 10 với 3 môn toán, văn và tiếng Anh từ năm lớp 6, học sinh chỉ tập trung vào 3 môn thi này, không dành...
16:49 - 10/01/2025
503 lượt xem

Ba đối tượng được dạy thêm, học thêm trong trường

Theo quy định mới về dạy thêm, học thêm, có ba đối tượng được học thêm trong nhà trường. Tuy nhiên, việc dạy thêm, học thêm những đối tượng này thuộc...
14:07 - 10/01/2025
581 lượt xem

Bangladesh: Hàng triệu trẻ em gái bỏ học

Giáo dục được coi là chìa khóa để thoát nghèo ở Bangladesh, đặc biệt đối với trẻ em gái.
11:22 - 10/01/2025
671 lượt xem

Chỉ xét tuyển vào lớp 6, liệu có thỏa đáng?

Việc tuyển sinh vào lớp 6 bằng bài khảo sát đánh giá năng lực tại một số trường chất lượng cao tại TP HCM được nhận xét là công bằng, giảm áp lực nhưng...
09:08 - 10/01/2025
685 lượt xem